Đến đời vua Lý Thái Tông lối hát xướng dần dần thịnh hành. Năm Kiến
Phù Hữu Đạo thứ 3 (1041), 100 người nhạc kỹ được tuyển vào cung đủ rõ
bấy giờ đã có nhiều người làm nghề xướng ca.
Và nghề hát xướng bấy giờ tuy chẳng là động lực chính của quốc văn
nhưng ít nhất nó cũng đã dọn đường cho lối thi, phú, nôm từ đời Trần đến
các triều đại sau này.
Để kết luận chúng ta có thể công nhận vào đời Lý văn học bắt đầu khả
quan. Tính cách văn chương bấy giờ có vẻ điềm đạm, ung dung, phúng
khoáng và hùng mạnh do ảnh hưởng một thời gian độc lập khá dài và cũng
do nhiều giai đoạn thắng cường lân, bại ngoại địch. Thêm vào đó là cái
không khí thiền môn bởi Phật giáo phát đạt nhất, Nho Giáo và thi cử chưa
thịnh. Có điều đáng chú ý là các nhà văn học thường là những vị cao tăng
hoặc bị ảnh hưởng của Phật Giáo nên ưu đứng ngoài vòng gió bụi. Tóm lại
văn học đời Lý đượm hai màu sắc: màu sắc quốc gia và màu sắc Phật Giáo.
Thật là một trạng thái hết sức đặc biệt.
Chú thích:
[1] Theo ý chúng tôi, khúc ca Chiêm Thành đầy ai oán là vì mối hờn bại
trận nhiều phen với người Việt và trước đây với người Hán.
[2] Mang là con hươu, con hoãng