con vua Nguyên đi hậu tập và tiếp viện. Ngoài ra đạo quân Ô Lạp Cáp Đạt
tức là Ngột Lương Hợp Thai tiến sang nội địa Việt Nam định vào đánh phá
thành Thăng Long.
Cuộc gặp gỡ của hai quân có lẽ đã xảy ra trên một quãng sông Thao,
hoặc tại Hưng Hóa hoặc từ Hưng Hóa về tới Sơn Tây. Chỗ này sử không
chép rõ, chỉ biết rằng đối với ta quân Mông Cổ khi đó rất mạnh. Trần Quốc
Tuấn chống không nổi phải lui về Sơn Tây. Vua Thái Tông cũng ngự giá
thân chinh rồi cùng thoái lui về đóng ở sông Cầu. Ở nơi đây quân ta núng
thế lại bị dồn về Đông Bộ Đầu (phía Đông sông Nhị Hà thuộc địa hạt huyện
Thượng Phúc). Tình thế lại bi quan thêm, vua Thái Tông phải bỏ thành
Thăng Long về giữ ở sông Thiên Mạc (huyện Đông An tỉnh Hưng Yên).
Thành Thăng Long bỏ ngỏ. Quân Mông Cổ vào thấy ba người sứ của họ
còn bị trói giam ở trong ngục. Khi cởi trói thì một người chết, chúng giận
hết sức, liền tàn sát hết cả nhân dân trong thành không trừ người già và con
trẻ. Một sự xúc động tràn ngập tâm hồn đa số nhân vật của Trần triều. Vua
Thái Tông ngự thuyền đi hỏi ý kiến Thái Úy Trần Nhật Hiệu. Trần Nhật
Hiệu cầm sào vạch xuống nước chữ “Nhập Tống”. Đến lượt Thái Sư Trần
Thủ Độ. Thái Tông thấy cả một sự cương quyết.
- Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì xin bệ hạ đừng lo! Đó là câu trả lời của
Thủ Độ và ta phải nhận rằng lời khẳng khái này đã quyết định chiến tình
thuở ấy và cả vận mệnh cùng danh dự dân tộc chúng ta nữa. (Nhất ngôn
hung quốc, nhất ngôn tang quốc là vậy).
Được ít lâu quân Mông Cổ mỏi mệt vì không chịu được thủy thổ. Quân
ta dò xét được tình trạng này mới mở cuộc tấn công. Thái Tông tiến quân
lên đánh giặc ở Đông Bộ Đầu. Giặc chạy lên trại Qui Hóa bị thổ dân ở đây
chận đánh rất là điêu đứng. Tinh thần của giặc bị khủng hoảng vì thấy khí
thế của Nam quân mạnh mẽ và đã chiến thắng họ ở nhiều nơi. Giặc lại do
đường cũ theo dọc sông Thao rút về Tàu, tinh thần mỏi mệt không còn sức
đánh nhau và cướp phá dân gian nữa. Dân gian gọi chúng là giặc Phật.