Về việc vua Nhân Tông Thượng Hoàng và triều đình của Ngài quyết
định gả Huyền Trân cho Chế Mân, ta thấy rõ rệt việc hôn nhân này đã vì lý
do chính trị hơn là bởi Trần triều muốn lấy hai châu Ô, Lý để mở rộng
cương thổ nước ta. Khi Thượng Hoàng hứa gả Huyền Trần thì chỉ là vấn đề
thắt chặt tình thân thiện Việt – Chiêm, đâu có đả động đến việc đem ả
thuyền quyên đổi lấy hai châu Địa Lý và Bố Chính? Sự thực vua Nhân
Tông thấy Chiêm Thành cho đến thời đó là một dân tộc hiếu chiến và cũng
hùng cường. Không kể từ đầu thế kỷ thứ nhất họ từng đem quân quấy nhiễu
nước ta. Trong hai lần chót quân Mông Cổ xâm lăng Việt Nam, một lần
Chiêm a tòng với Mông Cổ đánh thốc vào hậu tuyến của quân ta, một lần
Chiêm Thành hợp với ta chống lại Toa Đô, vậy Chiêm có thể là một điều
lợi hay hại. Gả công chúa cho Chiêm Vương, vua chúa nhà Đông A không
ngoài ý dùng Chiêm làm phên dậu và bớt thêm một kẻ địch luôn luôn rình ở
kẽ nách không phải là không nguy hiểm. Đó là chính sách Nam Thùy. Nhà
Lý trước đây muốn bành trước về Tả Giang đã gả nhiều công chúa cho các
Châu Mục ở thượng du Bắc việt, Trần triều gả Huyền Trần lại được làm
mẫu quốc Chiêm Thành thì lại càng nên lắm. Còn chuyện đòi hai châu Ô –
Lý chỉ là nhân dịp tốt để mở rộng cương vực chớ không phải là vấn đề
chính.
Duy việc Trần Khắc Chung lập mưu đưa Huyền Trần trở về nước sau
khi Chiêm Vương qua đời, muốn sao ta cũng phải nhận là một việc bất tín
với Chiêm Thành thì phản ứng của nước Chiêm là lẽ dĩ nhiên và chính
đáng. Chỉ tiếc cho họ vì hèn yếu nên phản ứng đó chỉ đưa thêm lại sự bất
lợi.
Còn về thi ca trong dịp này ta nhận thấy dân tộc ta đối với Chiêm quốc
có một sự kiêu hãnh rõ rệt, một sự kiêu hãnh thường có giữa kẻ lớn đối với
kẻ nhỏ, cũng như thái độ của Bắc triều đối với các tiểu quốc, chẳng vậy
trong các bài thi cả trên đây đã có những câu:
“Ngơ ngẩn nhìn nhau một lũ Hời”