Đặt ra bốn kho quân khí tức là xưởng công binh, tuyển các thợ giỏi để
chế tạo khí giới.
Đáng để ý, Quý Ly rất lưu tâm từ lâu đến việc mở mang quân đội để
bành trướng thế lực của mình và để đề phòng việc ngoại xâm. Quý Ly hiểu
rõ nhà Minh thế nào cũng có dịch động binh qua đất Việt dù chính sách
ngoại giao của Trần triều thuở đó rất mềm dẻo. Tới khi nắm được hết quyền
hành trong tay (1400) Quý Ly thiết tập ráo riết chế độ quân sự khắp nước,
biết rằng việc bang giao với Minh triều, sớm muộn sẽ đứt đoạn, chẳng vậy
ông thường tỏ lòng thắc mắc với quần thần: “Làm thế nào có nổi trăm vạn
quân để chống nhau với giặc Bắc?”
Xét các cuộc va chạm với Chàm dưới toàn thịnh của họ, ta phải công
bằng mà nhận rằng năm Canh Thân (Xương Phù thứ tư – 1380), Chế Bồng
Nga phải bỏ chạy, và năm Canh Ngọ (Quang Thái thứ ba – 1390) họ Chế
phải bỏ mạng trên dòng Hoàng Giang là nhờ ở sự cải cách binh bị và quân
kỷ sắt thép của họ Hồ.
Cải Cách Kinh Tế
Các nhà trí thức khảo duyệt hành động của các nhân vật lịch sử đều
nhận rằng những cải cách kinh tế và văn hóa của Hồ Quý Ly là một điều
xuất sắc đặc biệt nhất từ xưa đến nay. Lời khen người đó có đúng chăng?
Thuở đó nhà chính trị họ Hồ đã đứng trước một xã hội Việt Nam đầy đói
khổ, một chính phủ với kho tàng rỗng tếch, cuộc khủng hoảng tinh thần và
vật chất lan tràn từ triều đường ra tới các nơi dân dã. Bằng cách gì nhà
chính trị đó xoay đổi lại thời cục?
Để cứu nạn đói, vì nạn đói sinh ra loạn ly, chính sách quyên thóc được
thi hành. Ai có thóc cúng cho Nhà nước thì được phong tước tùy theo chỗ
hằng tâm, hằng sản nhiều ít. Năm Kỷ Mão (Long Khánh thứ ba – 1370) có