Nhà Hậu Trần thất bại không phải là điều ngạc nhiên vì kiểm điểm tình
trạng của mấy triều vua cuối cùng dòng Đông A, năng lực của các nhà lãnh
đạo và sự kiệt quệ của nhân dân thời bấy giờ, ta thấy rõ rệt triều Trần không
thể tồn tại mãi trên sân khấu chính trị Việt Nam. Nền móng đã lún, cột kèo
đã mục, thì làm thế nào khỏi sự sụp đổ.
Dẫu sao, ta cũng phải ngợi khen con cháu nhà Trần đến lúc suy tàn còn
có một phen quật khởi, nhưng cũng do sự sụp đổ hoàn toàn của họ Trần, ta
thấy rõ lý do xã hội Việt Nam cần phải thay trò đổi cảnh, con thuyền quốc
gia mỏng manh như vậy mà trao mãi cho những tay lái bất tài thì sinh mạng
của những kẻ đồng hành há là rơm rác sao! Ngoài ra, nhân dân Việt Nam đã
ủng hộ cuộc kháng chiến của họ Trần đến như thế cũng là hết lòng mà họ
Trần không tái tạo nổi cơ đồ thì không còn phiền trách vào đâu nữa. Công
nghiệp vĩ đại của họ Trần trước đây là chống xâm lăng thì sau này con cháu
họ Trần bất lực đem lại cái họa vong quốc, họ Trần phải lĩnh một phần lớn
trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc. Rồi đây, cũng với trời đất, non sông
ấy, nhân dân ấy, người nông dân đất Lam sơn làm được những sự nghiệp
thế nào, ta sẽ hiểu dân tộc chúng ta không bao giờ thiếu nhân tài, tinh thần
ái quốc và chiến đấu. Để cho quân giặc xông pha vào bờ cõi như vào chốn
không người, chẳng qua những kẻ cầm đầu chính trị cũng như quân sự quá
ư hèn nhát. Giặc vừa tới nơi đã bỏ giáo hàng giặc, giặc vừa thét ngoài biên
đã mở cửa thành đón giặc, quan liêu, trí thức đâu đâu cũng khoanh tay cúi
đầu chịu lệnh của giặc, tâm lý của cả một lớp người thời đó như vậy mà lại
trách Quý Ly làm mất nước chẳng đáng buồn cười lắm sao!