Vua Thái Tổ phong thưởng cho các công thân, đó là việc tất nhiên phải
làm trước. Đứng đầu quan văn là Nguyễn Trãi, đứng đầu võ quan là Lê
Văn. Các đại thần có Trần Nguyên Hãn làm Tả Tướng Quốc, Phạm Văn
Xảo giữ chức Thái Úy.
Công thần chia ra làm ba bậc để hưởng tước. Bậc nhất được hưởng tước
Thượng Trí Tự. Bậc nhì được tước Đại Trí Tự. Bậc ba được Trí Tự.
1 – Học Chính
Vua Thái Tổ cho đặt trường Quốc Tử Giám ở kinh đô, lấy các thanh
niên con các quan và con thường dân tuấn tú vào học tập (theo Trung Quốc
thời cổ). Ở các phủ, các lộ cũng mở các trường để thông việc học khắp dân
gian. Ngài cho lập Minh Kinh khoa buộc các quan văn võ tứ phẩm trở
xuống phải thi về kinh sử và các môn võ. Có lẽ đây là một khoa thi có tính
cách bổ túc, bởi trong thời kháng chiến chưa có sự đào luyện nhân tài. Ở
các lộ cũng mở khoa Minh Kinh để các người ẩn dật ứng thí và xuất đầu lộ
diện.
Những tăng nhân (Phật Lão) cũng phải khảo hạch. Ai hỏng thì phải hoàn
tục.
Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), triều đình mở khoa thi Hoành Từ ở
nơi dinh cũ Bồ Đề. Thượng Thư Lê Văn Linh làm Đề Điệu, quan Thừa Chỉ
Nguyễn Trãi làm Giám Thị. Trong những đầu bài ra cho sĩ tử khoa này, có
bài thơ “Chân cho chính trực” và bài hịch Thiên hạ cần vương, lấy đỗ 6
người là Mạc Thiên Tích, Đào Công Soạn, Trịnh Thuấn Du, Phan Phù
Tiên…
2 – Luật Pháp
Vua Thái Tổ cho thi hành hình luật nhà Đường. Có 5 thứ hình phạt: tội
xuy, tội trượng, tội đồ, tội lưu và tội tử.