IV. LÊ TƯƠNG DỰC (1510 – 1516)
Ông vua thứ bảy của nhà Hậu Lê cũng không hơn gì Uy Mục, trái lại
còn xa xỉ và đàng điếm hơn. Mức sống của dân chúng đang bốc cao dưới
mấy đời vua trước bắt đầu ngưng trệ, kho tàng của nhà nước cạn sạch dần.
Vua ủy cho Vũ Như Tô xây một chiếc Cửu Trùng Đài và một cái đền 100
nóc. Quân dân nhật dạ làm luôn mấy năm không xong, hao tốn tiền và sinh
mạng rất nhiều.
Vua lại cho đóng thuyền và tổ chức những đội binh phụ nữ để chèo
thuyền rong chơi múa hát ở Tây Hồ. Trong đám phụ nữ mua vui cho nhà
vua có cả các cung nhân của tiền triều, đáng lẽ vua phải kiêng kỵ điều đó
nhưng nhà vua cũng chẳng đếm xỉa đến luật lệ của hoàng gia, đạo đức của
dân tộc nên tư thông với cả bọn người đó. Vào cái thời người ta còn sùng
thượng nền luân lý Khổng Mạnh, đây là cái điểm đáng chú ý và càng không
thể tha thứ nếu những kẻ vi phạm lại là các vua chúa, những người đáng lý
phải làm gương mẫu cho trăm họ. (Sứ nhà Minh phê bình vua Tương Dực
có tướng lợn, đó là điềm loạn vong sắp xảy ra).
Việc thuế má đời bấy giờ vẫn theo các đời trước nhưng không rõ hàng
năm thu hoạch được những gì cho nhà nước. Sử chỉ chép dưới đời vua
Tương Dực thuế vàng và thuế bạc đồng niên thu được:
Vàng thập, thứ tốt nhất gọi là “ kiêm kim” được 480 lượng; vàng cửu
2883 lượng; bạc 2930 lượng.
Nay vua Tương Dực lập lại thể lệ và thu được là:
Vàng “kiêm kim” 449 lượng; vàng cửu 2901 lượng; bạc 6125 lượng.
Số vàng bạc thu vào kho tùy nhà vua tiêu dùng theo sở thích.