người giàu phân phát cho kẻ nghèo, chỉ dành cho họ một phần nào thóc gạo
mà thôi. Ai chống thì họ giết, biết điều thì thôi.
Một giáo sĩ Tây Ban Nha kể rằng họ đã tự xưng là những người theo
mệnh trời để thi hành công lý và giải phóng nhân dân khỏi ách quan liêu
phong kiến đúng như điều các nhà cách mạng xã hội chủ trương ngày nay.
Cũng như những cuộc khởi nghĩa của nông dân Châu Âu đời Trung Cổ,
họ được giới nhà Chùa, Phật giáo và Lão giáo ủng hộ nhiệt liệt, chính
Nguyễn Lữ cũng là một nhà sư trước đây và sau này Lữ được coi gần như
một vị giáo chủ ở Nam Hà; ngoài ra các người Mọi, các sắc dân thiểu số, và
theo sử gia Pétrus Ký, có cả vị vua cuối cùng của người Chàm cũng tiếp tay
cho họ.
Rồi quân Tây Sơn đi đến đâu, thắng đến đó như trận cuồng phong lướt
cỏ.
Sử ta có chép về lý lịch của an hem nhà Tây Sơn có đưa ra một số chi
tiết như sau:
Ông tổ của ba anh em nhà họ Nguyễn thực ra là họ Hồ và cũng là ông tổ
của Hồ quý Ly, con người đã cương quyết làm cuộc cách mạng quốc gia hết
sức táo bạo dưới đời Trần về mọi phương diện mà Việt sử Tân Biên quyển
hai đã nói đến.
Đến đời anh em Nguyễn Nhạc thì chi nhánh của bọn Nhạc đã lưu lạc
vào tới huyện Phù Ly, nay đổi là Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định (Xưa kia họ
Hồ phát tích ở tỉnh Chiết Giang bên Tàu, tổ là Hồ Hưng Dật sang nước ta từ
đời Ngũ Quý đến ở làng Bào Đột huyện Quỳnh Lưu, sau dời ra Thanh
Hóa).
Sự phiêu lưu của gia đình các ông Nhạc, Lữ, Huệ, xảy ra từ đời Trịnh –
Nguyễn phân tranh. Các ông cũng như nhiều đồng bào khác bị đưa vào ấp