thêm về cách soạn bài, soạn động tác múa và chọn nhạc. Lớp chúng tôi
có riêng một người đàn piano và một ban nhạc trẻ hẳn hoi. Thỉnh
thoảng chúng tôi đi diễn chung cả với đội xiếc, và khi họ cần, chúng tôi
cũng phụ diễn các vai nhào lộn với họ, song không bao giờ là đội ballet
cả.
Ballet, vẫn là cái gì ở rất xa, một thế giới thấp thoáng với tiếng
nhạc cổ điển và những đôi giày vải, đậm nét Tây phương. Có lần chúng
tôi đưa tiễn một cô bé trong lớp ballet ra nước ngoài học, sau buổi tiệc
khi chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn, cô ta rút đôi giày ballet ra yêu
cầu tôi viết tên mình lên đấy để kỷ niệm tình bạn của chúng tôi, kiểu
như trong lớp học thời ấy chúng tôi vẫn hay chuyền tay lưu bút vậy.
Chiếc giày vải làm tôi bối rối. Nó cho tôi cảm giác về một đời sống
sang trọng và cổ kính... Viết lên đấy khiến tôi đau lòng. Nhưng dù sao
thì tôi cũng đã ký tên lên đấy, và vì tôi không có giày vải nên tôi đã rút
dải lụa, một trong những dụng cụ nhảy múa của chúng tôi để đưa cô bé
ký.
Cô bạn mới vừa quen rời Việt Nam, tôi không bao giờ còn gặp lại.
Ít lâu sau tôi cũng rời Việt Nam. Tôi chấm dứt bộ môn thể dục nghệ
thuật từ đấy.
Theo lẽ thường thì coi như tôi đã “có duyên” với bộ môn thể dục
nghệ thuật chứ không phải ballet, nên đã được chọn vào đội thể dục
nghệ thuật từ buổi ban đầu, và lớn lên với nó. Song, tôi lại hết duyên
với nó khi rời Việt Nam, còn ballet thì không, bởi tôi cũng chưa bao giờ
có được cái duyên “chấm dứt” với nó cả. Thêm một điều nữa là khi tôi
chấm dứt bộ môn thể dục nghệ thuật thì chẳng bao lâu sau nó đã hoàn
toàn biến khỏi đời sống của tôi, không một chút luyến tiếc, còn ballet
thì vẫn như xưa: vẫn là một thứ gì đó lấp lánh ở phía xa, gợi lòng khao
khát nhưng lại khiến tôi e dè.
Những ngày tháng ở Mỹ bận rộn việc học hành lại từ đầu, rồi đi
làm kiếm sống... chẳng còn chút thời gian nào để nghĩ về những ngày
tháng cũ. Vậy mà, vào tháng tư trong năm, tôi có dịp ghé Houston và
tình cờ có được một vé tham dự chương trình ballet mang tên Vết Lăn