Hằng bắt chước nhân vật Tí Quạu trong truyện Xì-trum:
− Tao không thích các nhà thơ !
− Ổng cũng đâu cần mày thích. Ổng có vợ con rồi mà !
− Con quỷ, sao chưa gì mày đã nắm hết lý lịch của ổng rồi vậy ?
− Chứ sao ! Từ cuối năm ngoái tao đã nghiên cứu hết danh sách các
thầy cô năm nay rồi, biết người biết ta trăm trận trăm thắng mà.
Minh, thầy chủ nhiệm, đứng một bên phía trước, khẽ đưa một ngón tay
lên môi, ra dấu bảo Hoa và Hằng hãy yên lặng, làm hai cô bé đỏ bừng mặt.
Năm nay Minh mới 32 tuổi, nhưng đi dạy đã được chín năm. Như nhiều
sinh viên khoa Văn của trường Sư phạm, anh rất yêu thích văn học và đã
tập tễnh làm thơ từ những năm còn ngồi ở ghế nhà trường. Một vài bài thơ
của anh đã được đăng báo ngay từ thời ấy, và đã tạo được tiếng vang. Theo
thời gian, thơ anh ngày càng nhuyễn hơn, được nhiều người biết hơn,
nhưng tiếc thay, cũng theo thời gian, nó ít để lại trong lòng người đọc
những rung động sâu sắc như trước. Với Minh, ngay từ lúc nghe nhiều
người gọi mình là “nhà thơ” – tất nhiên trong đó có cả những lời tâng bốc
phỉnh phờ – anh đã cảm thấy tự hài lòng, mà không hề nhớ cái hào quang
của sự nổi tiếng đã từng giết chết bao nhiêu người đi trước.
Dù sao, với một vẻ ngoài dễ coi, cao ráo, trắng trẻo, đầy nét thư sinh, trí
thức, cùng với một kiến thức rộng về văn học trong và ngoài nước, một khả
năng ăn nói lôi cuốn, hấp dẫn, Minh rất dễ thu hút được sự chú ý của người
khác. Là một sinh viên gốc miền Trung được tuyển vào thành phố học Đại
học sư phạm, ngay từ năm thứ hai, trước sức quyến rũ của thành phố, Minh
đã quyết định sau khi ra trường phải ở lại nơi này bằng mọi cách. Qua kinh
nghiệm của nhiều người đi trước, Minh hiểu mình chỉ có thể chọn một con