- Đó là một câu trả lời rất hay! Con ơi, con hãy treo đàn vào cái đanh kia
rồi ngày nào con không thích ở đây nữa, con sẽ lấy xuống để bay nhảy tới
một phương trời khác, có điều con phải cẩn thận như chim én, như họa mi,
là phải biết tìm mùa để ra đi.
Tôi đáp:
- Con xin ra đi một lần thôi, ra đi để tìm thầy con.
Cha cô Lệ-Hoa nói:
- Con nói phải lắm.
Cái cửa vườn mà chúng tôi ngã gục đêm trước thuộc nhà một người làm
vườn nói trên tên là An-Thanh. Gia đình này gồm có năm người: một người
cha, hai con trai là An-Sinh và Bằng-Mai, hai người con gái là Yến-Chi, chị
cả và Lệ-Hoa, em út.
Lệ-Hoa không phải câm từ thuở lọt lòng, nghĩa là nguyên do không phải vì
tật điếc mà ra. Cô đã nói được hai năm. Không may đến năm lên bốn, cô
mắc chứng bệnh co gân rồi bị rụt lưỡi không nói được. May mà óc cô còn
toàn vẹn; không những thế, cô lại có phần sáng suốt thêm ra; cái gì cô cũng
biết, cũng làm cho người ta hiểu mình như lời nói. Trong những gia đình
nghèo và cả những gia đình khác, những đứa trẻ tàn tật thường bị hất hủi
hay đầy đọa, nhưng trường hợp của Lệ-Hoa lại khác hẳn. Thông minh, lanh
lợi, vui tươi, hiếu thuận, nên từ cha cô đến các anh chị cô đều yêu thương
và quý cô nhất nhà.
Ngày xưa, quyền trưởng tử thật được trọng vọng trong những nhà quý tộc.
Ngày nay, những con đầu lòng ở các gia đình thợ thuyền, chỉ hưởng thụ
được những trách nhiệm nặng nề.
Bà An-Thanh mất khi Lệ-Hoa lên một. Từ ngày đó, Yến-Chi lớn hơn An-
Sinh hai tuổi phải đảm đương việc nhà thay mẹ. Đáng lẽ đi học, Yến-Chi
phải ở nhà làm cơm, khâu vá, dọn dẹp và trông nom Lệ-Hoa. Người ta quên
hẳn cô là con gái, là chị cả và quen coi cô như một con sen. Đối với cô,
người ta không câu nệ gì vì biết rằng cô chẳng trốn đi đâu được và cô
không giận dỗi bao giờ.
Ẵm Lệ-Hoa, dắt Bằng-Mai, làm việc quần quật suốt ngày, cô dậy sớm để
nấu súp cho cha ăn rồi đi chợ, thức khuya để rửa bát, giặt quần áo. Về mùa