đến nơi tôi sẽ hỏi thăm. Bà Cát-Tường cùng các con ông có thể vào chào
ông được, tất tôi cũng xin phép vào được. Tôi cũng là người nhà, là con
ông chứ có kém đâu!
Tôi không dám đi qua các phố ở Ba-Lê với con chó thả rong. Nếu Cảnh
binh hỏi thì tôi sẽ trả lời làm sao? Trong mọi thứ sợ, theo kinh nghiệm bản
thân của tôi thì cái sợ Cảnh binh là ghê gớm hơn cả, vì tôi chưa quên tấn
kịch ở Tu-lu. Tôi lấy dây cột vào cổ con Lãnh-Nhi – việc này làm trạnh
lòng tự ái của nó nhiều lắm vì nó vốn là một con vật thông minh và có giáo
dục – rồi một tay cầm đầu dây, tôi tìm đến nhà khám Kích-Chi.
Ở trên đời này có những điều sầu thảm khiến ta trông thấy phải đau lòng.
Không còn cái gì xấu hơn và buồn hơn là cái cửa nhà giam.
Đến nơi, tôi đứng dừng lại, không dám bước vào, tôi sợ người ta sẽ giam
tôi, sợ cái cửa oan nghiệt kia hé cho tôi vào để không bao giờ mở ra nữa.
Tôi chỉ tưởng tượng là vào nhà lao thì khó ra, chứ có biết đâu là rất khó
vào.
Nhưng tôi không đến nỗi bị ngăn bị đuổi, cuối cùng tôi cũng được phép
vào. Người ta cho tôi vào phòng nói chuyện. Phòng này không có rào sắt
như tôi tưởng. Một lát sau thì ông An-Thanh ra, không phải đeo xiềng xích
gì.
Ông nói:
- Minh ơi! Ta đợi con mãi. Ta có trách bà Cát-Tường sao không cho con
cùng đến với các con ta.
Từ sáng đến giờ tôi buồn quá. Câu nói đó làm cho tôi phấn khởi.
Tôi nói:
- Bà Cát-Tường không muốn cho con về với bà.
- Không được, con ạ! Ở đời lắm khi người ta không thể làm những điều mà
người ta muốn. Ta chắc con có thể tự túc được. Ông Suy-Ô, làm ở đập sông
Niên thực đấy, nhưng người ta không tuyển thợ làm vườn. Các con ta bảo
con muốn trở lại nghề cũ. Vậy con đã quên cái đêm suýt chết rét ở cửa nhà
ta rồi sao?
- Không. Con nhớ lắm!
- Thuở ấy, con không sống một mình, con có thầy con bên cạnh. Bây giờ