ruột, rét cắt da như tôi đã từng chịu đau khổ, khi người ta đã bị xua đuổi hết
làng này đến làng khác, không kiếm được một đồng xu nhỏ như hồi ông
Vỹ-Tiên nằm ở nhà lao, người ta mới thấm thía hết cái nguy hiểm và cái
khổ cực của đời sống không nhà, một đời sống mà ngày mai không vững
chắc, và chính ngày hiện tại cũng bấp bênh.
Nếu tôi từ bỏ cái đời sống gieo neo này, tôi chỉ còn có một cách là làm theo
lời ông An-Thanh vừa khuyên bảo: đi ở cho người ta. Nhưng tôi không thể
nào bỏ cái đời tự do, cái đời lữ hành đó mà không lỗi hẹn với Yến-Chi, An-
Sinh và Bằng-Mai, nghĩa là bỏ rơi các người thân yêu đó. Thực ra Yến-Chi,
An-Sinh và Bằng-Mai có thể không cần đến sự giúp đỡ của tôi vì họ có thể
viết thư cho nhau được. Nhưng Lệ-Hoa không biết viết, cả bà Cát-Tường
cũng không. Lệ-Hoa sẽ bặt tin mọi người, nếu tôi bỏ cô. Cô sẽ nghĩ gì về
tôi? Chắc cô chỉ nghĩ có một điều: tôi không yêu mến cô nữa. Chính cô đối
với tôi có một tình hữu ái rất chân thành. Tôi không thể làm thế được.
Tôi liền nói:
- Con sẽ thông tin tức các anh chị cho cha.
- Các con ta đã nói đến. Không muốn con phải vất vả vì gia đình ta, nên ta
khuyên con bỏ nghề diễn trò. Người ta không nên nghĩ đến mình, trước khi
nghĩ đến những người khác.
- Thưa cha, chính thế. Cha đã thương mà chỉ cho con điều hơn lẽ thiệt. Nếu
con sợ những nỗi nguy hiểm dọc đường mà cha vừa vạch ra, con bỏ lời đã
ước hẹn, như thế là con chỉ nghĩ đến phần con. Con không nghĩ đến gia
đình cha, không nghĩ đến Lệ-Hoa.
Ông lại nhìn tôi một lúc thật lâu hơn rồi thình lình, ông cầm lấy hai tay tôi:
- Con ơi! Ta phải hôn con về câu nói đó. Con thực là đứa trẻ hào khí. Người
ta không phải cứ lớn mới có tính khí đó.
Tôi liền ôm lấy ông.
Ông nói:
- Con ơi! Ta chỉ nói thêm một câu nữa: Cầu trời phù hộ con!
Rồi cả hai ngồi im lặng trên ghế dài. Thì giờ đi vùn vụt. Đã đến lúc phải rời
nhau.
Chợt, ông thò tay vào túi và móc ra một cái đồng hồ quít bằng bạc có dây