đứa trẻ làm trò dẻo xương nên Phú-Lợi cho tôi làm ở đó. Đến hôm thứ hai
vừa rồi, hết hạn, họ đuổi tôi ra vì đầu tôi bây giờ to quá không lọt vào cái
hòm. Tôi vừa ở Dị-Nho là nơi gánh xiệc ở đó, đến đây tìm Phú-Lợi. Nhưng
tôi chẳng thấy ai cả, mà nhà thì khóa kín. Một người hàng xóm bảo tôi
những lời như tôi vừa kể lại với anh, Phú-Lợi bị tù rồi! Thành ra bây giờ tôi
bơ vơ, không biết đi đâu và cũng không biết làm gì.
- Sao anh không trở lại Dị-Nho?
- Khi tôi đi bộ về đây thì gánh xiệc ở Dị-Nho cũng dọn đi Ru-Ăng. Tôi theo
đến Ru-Ăng sao được? Vì đường thì xa mà tôi chẳng có đồng nào. Từ trưa
hôm qua đến giờ, tôi chưa được miếng bánh nào vào bụng.
Tôi không giàu có gì. Nhưng lúc đó trong túi tôi cũng có chút ít không đến
nỗi để Mã-Tư phải chết đói. Ngày tôi lang thang ở Tu-lu, cũng đói như Mã-
Tư bây giờ, giá mà ai cho tôi được một mẩu bánh thì ơn ấy phải nghĩ đến
đời đời.
Tôi bảo anh:
- Anh hãy đứng đây.
Rồi tôi chạy đến hàng bánh ở đầu phố. Lúc tôi trở về, tôi đưa cho anh một ổ
bánh, anh vồ lấy ăn ngấu nghiến.
Anh ăn xong, tôi hỏi:
- Bây giờ anh định làm gì?
- Tôi không biết.
- Phải làm một việc chớ?
- Tôi đang định bán cái đàn vi-ô-lông này thì gặp anh. Nếu vạn nhất phải
bán nó thì tôi buồn lắm anh ạ, vì nó là nguồn vui và nguồn an ủi của tôi.
Những khi tôi phiền muộn, tôi tìm chỗ vắng người, tôi dạo một vài bài để
nghe chơi. Lúc đó tôi thấy trời đất đẹp quá, đẹp hơn trong giấc mộng.
- Thế sao anh không đi đánh đàn trong các phố?
- Tôi đã thử đánh, nhưng chẳng ai cho tiền cả.
Tôi đã biết rõ lắm, biết rõ cái cảnh gảy đàn sái tay mà chẳng ai thèm móc
túi.
Mã-Tư hỏi tôi:
- Thế anh? Anh làm gì bây giờ?