VÔ GIA ĐÌNH - Trang 268

Giáo-sư bây giờ là người Hoa tiêu trong chiếc thuyền ngộ nạn của chúng
tôi.
Nếu chúng tôi có dụng cụ thì việc làm rất dễ. Nhưng làm bằng dao thì khó
và lâu. Chúng tôi phải đào thành hai bậc trong sườn đá diệp thạch. Những
bậc này phải rộng để có thể chứa được một hàng bốn người, một hàng ba
người.
Chúng tôi phân công. Mỗi bậc do ba người phụ trách, hai người dũi đá, một
người gạt những mảnh con vứt đi, “Kỹ sư” tay xách đèn đi từ “công
trường” nọ đến “công trường” kia. Trong khi đào, người ta tìm được mấy
thanh gỗ bị vùi dưới cát. Những thanh gỗ đó rất có ích, dùng để đóng vỉa
cho đá khỏi lở. Suốt ba tiếng đồng hồ làm việc không nghỉ, chúng tôi đào
xong hai bậc và có thể tạm ngồi được.
“Kỹ sư” ra lệnh:
- Bây giờ các bạn hãy nghỉ tay. Rồi sau có thì giờ ta hãy làm rộng thêm để
có thể nằm được. Ta không nên làm thái quá. Hãy dành sức cho lúc cần
đến.
Rồi người ta chia nhau ngồi. Giáo-sư, An-Thiện, Cao-Dĩ và tôi ngồi bậc
dưới. Ba người thợ cuốc ngồi bậc cao.
Mọi người yên vị xong; Giáo-sư nói:
- Ta phải dành đèn. Tắt cả đi, chỉ để một ngọn đèn thôi.
Mọi người sắp sửa thi hành thì Giáo-sư vội ra hiệu ngừng lại và bảo:
- Xin các bạn một phút. Một luồng gió có thể làm tắt đèn của ta: điều này
không chắc lắm. Nhưng ta vẫn cứ phải đề phòng cái “không thể có”. Có ai
mang diêm không?
Mặc dầu có lệnh cấm bật lửa trong hầm, nhưng hầu hết các thợ đều có diêm
trong túi cả. Vì thế, lúc đó không có Kỹ sư của Công ty ở đây kiểm soát
xem ai trái lệnh, nên Giáo-sư vừa hỏi “Có ai mang diêm?” thì bốn tiếng trả
lời: “tôi có”.
Giáo-sư nói:
- Tôi cũng có nhưng diêm bị ướt cả.
Đó cũng là trường hợp chung cho tất cả mọi người, vì ai cũng bỏ diêm
trong túi quần và ai cũng lội nước đến ngực, đến vai.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.