trong cơn ác mộng, một ánh sáng đỏ đã lọt vào cửa sổ làm tôi hãi hùng. Đó
là một ảo tưởng. Cái ánh sáng đỏ kia, tôi đã trông thấy một lần cứ ám ảnh
mắt tôi như một ngọn lửa cháy. Chúng tôi bước sau xe hàng. Thay vào
những mùi hôi hám của Thanh-Lâm, chúng tôi được thở hít cái không khí
trong lành của những miền quê ngoạn mục mà chúng tôi đi qua, những
miền chắc chắn không có chữ “Thanh” trong tên gọi, nhưng đượm một màu
“xanh” dưới mắt và ríu rít những tiếng chim kêu bên tai chúng tôi.
Ngay hôm đầu cuộc khởi hành, tôi đã được mục kích cha tôi bán hàng. Đi
đến một làng đông vui kia, hai chiếc xe dừng lại xếp hàng ở bãi đất công,
các cửa ở một bên thành xe hạ xuống, người ta trông thấy ở trên các ngăn
có đủ các thứ hàng. Những khách mua và những người tò mò đông hơn,
kéo nhau lại xem.
Cha tôi rao:
- Xin xem giá hàng! Xin các ngài xem giá hàng! Không có nơi nào bán rẻ
hơn ở đây. Hàng tôi không phải mua nên tôi bán rất rẻ. Có thể nói là tôi
không bán, tôi đem biếu các ngài đây. Mời các ngài đến xem giá!
Mấy người lại coi giá rồi lảng ra và nói nhỏ với nhau:
- Phải là hàng ăn cắp mới bán rẻ thế.
- Chính lão ta đã nói thế!
Nếu họ đưa mắt nhìn tôi lúc đó, họ sẽ thấy sắc đỏ của mặt tôi đã tiết lộ lời
dự định của họ là đúng. Tuy họ không nhìn thấy sắc mặt tôi, nhưng Mã-Tư
đã nhận thấy. Tối đến, anh mới ngỏ cùng tôi cái điều mà xưa nay anh dè dặt
không dám đả động đến.
Anh bảo tôi:
- Anh có thể chịu mãi được cái nhục đó không?
- Nếu anh không muốn cái nhục đó tăng thêm thì anh đừng nhắc đến nó
nữa.
- Không phải tôi muốn thế. Tôi muốn anh trở về Pháp. Tôi vẫn bảo ở đây
chúng ta sẽ bị tai họa. Bây giờ tôi lại nói thế! Và tôi cảm thấy tai họa đó
sắp đến nơi rồi. Anh phải biết chỉ trong mai mốt lính Cảnh-sát sẽ đến xem:
sao quý ông Điệp-Công lại bán hàng hạ giá thế? Lúc đó sẽ xẩy ra sao?
- Anh Mã-Tư ơi! Tôi xin anh.