- Không phải thế. Nhưng không có cái gì chứng minh là bà hiện ở nước
Anh.
- Càng không có chứng cớ gì là bà ở Pháp.
- Điều này có lẽ đúng: vì An-Tuyên còn ốm. Tất bà phải đưa con đến một
xứ có khí hậu thích hợp cho sức khỏe của con.
- Không phải chỉ có nước Pháp mới có khí hậu tốt.
- Lần trước, cậu sang Pháp mà khỏi bệnh, lần này tất bà lại đưa cậu sang
đó. Vả lại tôi muốn anh rời khỏi nơi này.
Tôi không dám hỏi anh tại sao phải bỏ đi, tôi sợ anh trả lời đúng như điều
mà tai tôi không muốn nghe.
Anh nói tiếp:
- Tôi sợ lắm. Chúng ta đi đi thôi! Ở đây rồi thế nào cũng xẩy ra tai họa cho
chúng ta. Đi đi thôi!
Cách cư xử của gia đình tôi đối với tôi vẫn không thay đổi. Ông tôi vẫn
giận dữ nhổ bọt về phía tôi. Cha tôi thỉnh thoảng chỉ có việc sai khiến tôi.
Mẹ tôi không bao giờ nhìn đến tôi. Các em trai tôi lúc nào cũng tìm cách
hại ngầm tôi. Em gái lớn tôi, hễ nhìn thấy mặt tôi là sinh sự. Còn em Cát
chỉ yêu gói kẹo của tôi đem về thôi. Nhưng dù sao tôi cũng không thể theo
lời khuyên của Mã-Tư, cũng như không thể tin anh bảo tôi không phải là
con của quý ông Điệp-Công. “Ngờ” tôi có thể “ngờ” lắm, nhưng “tin chắc”
là phải hay không là con ông Điệp-Công thì tôi “không tin” được.
Thì giờ đi thong thả, thong thả lắm nhưng cứ đi đều. Hết những ngày này
lại đến những ngày khác. Hết những tuần lễ này lại đến những tuần lễ khác.
Đã đến lúc gia đình tôi phải rời Luân-Đôn để đi các vùng quê trong nước.
Hai chiếc xe ngựa mới sơn lại. Người ta xếp chật ních hàng hóa để đem bán
trong những mùa nắng ráo.
Biết bao nhiêu là thứ hàng và khéo xếp làm sao! Đủ thứ: vải, áo đan, mũ
vải, khăn vuông, mùi soa, bít-tất, quần đùi, gi-lê, cúc, chỉ, bông, len, kim,
kéo, dao cạo, hoa tai, nhẫn, xà phòng, sáp, xi đánh giầy, đá mài, thuốc trừ
rận chấy, thuốc tẩy quần áo, thuốc mọc tóc, thuốc nhuộm tóc, vân vân…
Khi chúng tôi ở đó, chúng tôi trông thấy đem ở hầm lên những bao hàng
lớn, những bao hàng này đã không được trực tiếp và đàng hoàng đem đến