- Thưa quý ông quý bà, chúc quý vị một đêm Giáng-Sinh an lạc.
Chúng tôi lại sang phố khác tái diễn cuộc hợp tấu của chúng tôi.
Đêm khuya, nằm trong giường trên chăn, dưới đệm mà nghe đàn, nghe hát
kể cũng thích thú. Người ta có biết đâu, chúng tôi những kẻ đàn hát đây,
lang thang khắp nẻo, không nệm, không chăn, những ngón tay sưng và
cóng vẫn phải vận động không ngừng.
Những đêm Giáng-Sinh này, thời tiết ác quá: Thế mà suốt trong ba tuần lễ,
không đêm nào là chúng tôi không có mặt ở các phố cho mãi đến khuya.
Đã bao nhiêu lần khi những cửa hàng chưa đóng hẳn, chúng tôi đứng dừng
trước hàng gà, hàng quả, hàng kẹo, hàng mứt. Chao ôi! Những con ngỗng
béo đẹp! Những con gà tây to! Những con gà giò trắng mập! Lại còn những
đống cam, lê, táo xếp cao như núi. Những quả thơm đó làm chúng tôi thèm!
Qua những hàng này, những đứa trẻ được nuông chiều, có lẽ đã ôm lấy cha
mẹ đòi mua.
Qua các phố, nhà nghèo cũng như nhà giầu đều có một quang cảnh đầm
ấm, tưng bừng, chúng tôi cảm thấy chúng tôi lẻ loi, cô quạnh.
Lễ Giáng-Sinh chỉ vui cho những ai được sống trong yêu thương!
Sau những ngày lễ Giáng-Sinh, chúng tôi phải đi làm ban ngày. Cơ hội để
gặp ông Mỹ-Giang thành khó ra. Chúng tôi chỉ hy vọng vào ngày chủ nhật.
Vì thế, ngày chủ nhật là ngày tự do. Ngày giải trí cho chúng tôi, chúng tôi
phải hy sinh để ở nhà.
Chúng tôi đợi.
Một hôm gặp Bốp, Mã-Tư không nói nguyên do những điều chúng tôi đang
bứt rứt, anh hỏi luôn Bốp: có cách gì để tìm địa chỉ một bà tên là Mỹ-Lưu
có người con trai liệt chân và một ông tên Mỹ-Giang không. Bốp trả lời: bà
Mỹ-Lưu là người thế nào và ông Mỹ-Giang làm nghề nghiệp gì, hoặc có rõ
địa vị xã hội của ông thì may ra mới biết vì có nhiều người trùng tên, vả họ
Mỹ ở Luân-Đôn cũng nhiều mà ở trong nước Anh lại càng lắm hơn nữa.
Chúng tôi không nghĩ đến đều đó. Đối với chúng tôi thì chỉ có một bà Mỹ-
Lưu là mẹ cậu An-Tuyên và chỉ có một ông Mỹ-Giang là chú cậu thôi.
Lúc đó, Mã-Tư lại giục tôi trở về Pháp. Tôi bảo anh:
- Vậy thì anh không muốn tìm bà Mỹ-Lưu nữa hay sao?