của Mã-Tư, nên vì thế mà tôi không dám nài anh ngỏ ý kiến của anh cho tôi
nghe. Tôi sẽ trả lời anh sau, nếu ý kiến của anh cũng giống cái ý kiến đang
bồng bềnh vô định trong đầu tôi như ở một giấc mơ? Tôi không dám phát
biểu ra vì tôi không có can đảm bàn cãi với anh về điều đó.
Chỉ còn có cách đợi. Chúng tôi đợi.
Trong khi chờ đợi, chúng tôi tiếp tục hát rong trong thành phố Luân-Đôn.
Chúng tôi không phải là những nhạc sĩ anh chị có hẳn một khu phố riêng để
ngự trị. Chúng tôi là những trẻ con và mới đến, không nắm được một phố
nào, phải nhường chỗ cho các bậc đàn anh đòi quyền sở hữu của mình bằng
những luận điệu mà chúng tôi không sao đấu được.
Đã bao nhiêu lần, chúng tôi vừa hát xong đang lãnh tiền thì phải bỏ chạy
cho nhanh vì gặp bọn hát Tô-Cách-Lan. Đàn ông thì để đùi trần, đàn bà thì
vận váy xếp nếp. Họ mặc áo tơi vải, đội mũ vải cắm những chiếc lông chim
dài. Chỉ nghe thấy tiếng kèn của họ là chúng tôi phải chạy rồi.
Lại còn những bọn nhạc công da đen đi xông xáo khắp các phố mà chúng
tôi rất sợ. Những tên Mọi giả này ăn mặc thô lỗ bằng những chiếc áo đuôi
cá thu, rộng cổ, trông hình thù họ chẳng khác chi một bó hoa quấn trong tờ
giấy. Họ ghê gớm hơn là bọn Tô-Cách-Lan. Hơi trông thấy bóng họ hay
nghe thấy tiếng đàn banjo của họ là chúng tôi phải kính trọng im ngay và
lảng đến một phố xa, không có bọn nào của họ nữa, hoặc có thì chúng tôi
chỉ đứng nhìn chờ cho họ trổ tài xong mới dám hành nghề.
Một hôm, chúng tôi đang là khán giả của họ, tôi thấy trong bọn họ có một
người ngộ nghĩnh nhất vẫy Mã-Tư. Tôi tưởng anh ta trêu ghẹo chúng tôi,
dùng chúng tôi làm cái bung sung để diễn thêm một trò vui cho công
chúng. Tôi ngạc nhiên thấy Mã-Tư giơ tay trả lời một cách thân mật.
Tôi hỏi anh:
- Anh quen hắn à?
- Bốp đấy.
- Bốp là ai?
- Bốp là bạn cũ của tôi ở gánh xiếc Gát-Sô. Anh là một trong hai vai hề khá
nhất mà tôi thường nói với anh. Chính Bốp đã dạy tôi nói tiếng Anh.
- Sao anh không nhận hắn trước?