Mất hai ngày, tôi ngồi yên trong nhà lo lắng, không dám thò ra sân nhà trọ,
săn sóc các con chó và Hảo-Tâm, xem chừng con nào cũng ngơ ngác và
buồn rầu.
Ngày thứ ba, một người đem phong thư của thầy tôi cho tôi.
Thầy tôi nói trong thư rằng thầy tôi bị giữ để đến thứ bảy tới đưa ra Tòa án
về tội kháng cự công chức đang thi hành nhiệm vụ và về tội làm thương tổn
đến thân thể viên chức đó.
Thầy tôi nói thêm: trong khi cả giận, ta đã làm một lỗi lớn, nó sẽ làm ta khổ
não. Ngày phiên tòa, con sẽ đến để lĩnh một bài học. Đoạn thầy tôi khuyên
tôi mấy câu về cách cư xử. Cuối thư, thầy tôi không quên hôn tôi và bảo tôi
vuốt ve các con Lãnh-Nhi, Hảo-Tâm, Thùy-Nhi và Hiệp-Nhi thay cho thầy
tôi.
Trong khi tôi đọc thư, Lãnh-Nhi ngồi dưới chân tôi nghếch mõm lên ngửi
hít rồi ve vẩy đuôi, thì ra nó đã đánh hơi biết được tờ giấy qua tay chủ nó.
Đã ba hôm nay, bây giờ tôi mới thấy nó tươi tỉnh lên một chút.
Sáng thứ bảy, hỏi người ta tôi biết Tòa án sẽ họp 10 giờ. Nhưng mới có 9
giờ tôi đã đến Tòa trước tiên và lén vào ngồi trong một góc. Dần dần phòng
đầy người. Trong đám đến xem tôi nhận thấy nhiều người quen mặt vì họ
đã chứng kiến tấn kịch hôm nọ.
Tôi chẳng hiểu Tòa án và Công lý là gì. Nhưng khi vào Tòa, tôi cảm thấy
một mối lo sợ mặc dầu người ta sắp xử thầy tôi chứ không phải tôi. Tôi lẩn
vào ngồi sau một cái lò sưởi lớn và sát tường để không ai chú ý đến tôi.
Vụ thứ nhất không phải việc của thầy tôi. Tòa xử những người ăn cắp,
những người đánh nhau. Ai cũng kêu oan và bị án cả. Cuối cùng, hai người
Hiến binh kèm thầy tôi ra và để ngồi xuống chỗ ghế những người bị cáo
trước.
Đầu tiên, người ta làm gì, hỏi gì và thầy tôi trả lời thế nào, tôi cũng không
biết, vì tôi cảm xúc quá không nghe thấy gì và cũng chẳng hiểu gì cả. Vả
lại, tôi không có ý nghe, tôi chỉ để mắt trông thầy tôi. Thầy tôi đứng đó,
mái tóc bạc vuốt về đằng sau, trông có vẻ ngượng ngùng và buồn bã. Tôi
lại nhìn quan tòa. Quan tòa hỏi:
- Như vậy ông thú nhận có thoi viên cảnh binh đến bắt ông nhiều cái?