Dân Bắc Hà vì ghét lính Tam phủ nên đặt cho chúng một tên chung là
kiêu binh.
Vì được nhàn rỗi nên kiêu binh thường họp nhau ở ngoài phố mà uống
rượu và chòng ghẹo đàn bà con gái. Túng tiền thì chúng đi cướp phá của
các nhà bình dân.
Quan lại, hãn hoặc có người nghĩ cách trừng trị chúng thì chúng dọa
giết, phá nhà.
Về đời Tây vương Trịnh Tạc, hai quan Tham tụng (tể tướng) là Phạm
Công Trứ và Nguyễn Quốc Trinh mật xin với Chúa Trịnh đàn áp bọn kiêu
binh. Chúng nghe biết, liền kéo đến phá nhà hai ông này. Nguyễn Quốc
Trinh bị chúng giết chết, Phạm Công Trứ máy trốn thoát.
Tây vương tra ra việc này, liền mang mấy tên thủ xướng ra chém, nên
bọn kiêu binh từ đấy mới chịu nhụt đi chút đỉnh.
Đến đời Ân vương Trịnh Doanh, kiêu binh lại phá nhà quan Tham tụng
là Nguyễn Công Thái. Chúng lại bị trừng phạt rất nghiêm. Nhưng đến cuối
đời Tĩnh vương Trịnh Sâm thì chính sự của Vua và Chúa đều đổ nát quá rồi.
Vua Chúa yếu, lẽ tự nhiên là kiêu binh lại mạnh. Nhưng lính Tam phủ có
lẽ cũng chưa thành một mối họa lớn cho Bắc Hà, nếu không có một cuộc
tranh giành rất khốc hại xảy ra ở ngay trong nội bộ nhà Chúa.
Nguyên khi về già, Tĩnh vương rất say mê một người vợ lẽ tên là Đặng
Thị Huệ, tục gọi là “bà Chúa Chè”. Vương tuy đã có một con trai lớn là
Trịnh Khải, nhưng vì ghét Khải là con vợ cả nên không lập làm Thế tử, mà
định truyền ngôi cho con trai Thị Huệ là Trịnh Cán, một đứa trẻ quặt quẹo
ngày từ lúc mới đẻ và không thuốc thang nào chữa được.
Thị Huệ muốn có vây cánh trong chính phủ nên liên lạc với tước Huy
quận công là Hoàng Tố Lý, một đại thần được Sâm rất tin dùng.