Kiêu binh nổi loạn
Anh em Lê Duy Khiêm được thoát khỏi cái đời u tối ở nơi ngục thất mà
trở về ánh sáng mặt trời là do tình cờ. Nhưng chỉ là tình cờ nhỏ bị bao hàm
trong một tình cờ lớn nó đã đẩy nước Việt Nam vào một cuộc loạn ly ròng
rã tới một phần tư thế kỷ.
Đầu mối của nó là cuộc đảo chính mà người đương thời gọi là “loạn
kiêu binh”.
Kiêu binh chính tên là ưu binh, hoặc cũng gọi là “lính Tam phủ” là hạng
lính được ưu đãi hơn lính các nơi khác (các trấn), vì chúng là lính mộ ở hai
xứ Thanh, Nghệ, nơi phát tích của hai họ Trịnh và Lê. Vì hai xứ này đã có
công lớn trong việc phục hưng và sáng nghiệp của vua Lê và Chúa Trịnh,
nên lính hai xứ ấy được coi như chân tay của nhà Vua và nhà Chúa.
Ưu binh được bổng hậu hơn lính các trấn. Số công điền mà họ được
hưởng cũng nhiều hơn. Và, trong lúc lính cách trấn phải đi “thú” nghĩa là
lên đóng ở các tỉnh thượng du để chịu cái khổ lam sơn chướng khí và
Chặt tre đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai.
Thì ưu binh được sống một đời nhàn nhã ở Thăng Long, công việc hàng
ngày của họ không có gì nặng nhọc hơn là canh giữ các điện Vua và phủ
Chúa.
Lính Tam phủ cũng như hầu hết các quân nhân khác thường là thất học.
Khi được ưu đãi như vậy thì không những chúng không hiểu là một cái ơn
riêng, cần phải dè dặt mà chúng lại còn trở nên kiêu căng, không coi ai ra gì
cả.