Sau năm một nghìn chín trăm năm ba, bác sỹ Nguyễn Đình Lân, người
đảng viên kỳ cựu trong cuốn sách này rời làng thoát ly đi kháng chiến.
Những gì ông cùng đồng đội đã làm trong cuộc chiến đấu không cân sức
với kẻ thù trên mảnh đất Đức Đại trở thành hành trang cho ông trên con
đường công tác, ngay cả những khi là cán bộ của Sở y tế Hải Dương hay
trong hành trình gian khó trên đất bạn Cam Pu Chia giữa những ngày rực
lửa.
Dẫu giờ đây, những người đang sống trên mảnh đất này, có những người
không biết đã từng có một đoạn đường Đức Đại gian khó đến vậy, không
biết đã từng có một thế hệ những con người hiếu lễ, kiên cường vò nhàu
mình giữ làng, giữ xóm trong những năm kháng chiến chống thực dân
Pháp, thì câu chuyện về cuộc đấu tranh của người dân Đức Đại ngày ấy
cũng sẽ không giản đơn chỉ còn phảng phất trong trí nhớ của những người
đã từng chứng kiến mà sẽ còn ghi dấu trong tâm khảm của rất nhiều thế hệ
sau này, thế hệ được hưởng thành quả của chính những cuộc đấu tranh ấy
đem lại.
Cuộc chiến đã đi qua rất lâu. Những con người cùng thế hệ của các ông các
bà ngày ấy theo dòng chảy của thời gian còn lại cũng chẳng bao người.
Nhưng chúng tôi tin, chuyện làng, chuyện nước thì sẽ mãi còn đó. Nhiều
người trong ban tranh đấu của Đức Đại ngày ấy mãi trở thành những chiến
sĩ vô danh. Họ không hề nhận một tấm huân chương, một lời ghi nhận
nhưng vẫn không một lời oán thán. Và đó cũng chính là lí do chúng tôi viết
cuốn sách này. Viết để khắc ghi về một thời cha ông ta đã đi qua. Viết như
lời tri ân với những người còn sống, một nén tâm nhang thắp lên cảm tạ
những gì cha ông ta đã cống hiến, viết để bày tỏ tấm lòng, sự trân trọng của
chúng tôi với chính những người con kiên trung của mảnh đất giàu truyền
thống này.