nước, và cả sử sách từ trước tới nay chưa thấy bao giờ nói đến một người
mẹ thiện đức mà khổ đau như bà.
Công chúa Thiên Ninh từ thái ấp tức tốc trở về kinh. Bà đòi phải làm
cho rõ cái chết của từ mẫu. Ai có thể làm được việc này, ngoài thái y ty.
Nhưng quan gia đã không cho bất cứ một viên ngự y nào tới gần thi thể thái
hoàng thái hậu. Lấy cớ rằng vì tuổi già sức yếu, nên Tuyên thánh qua đời,
không ai được làm kinh động đến vong linh tôn quý của người. Và chính
nhà vua lăn khóc thảm thiết tới mức bỏ cả ăn uống. Lưu thị cũng vậy, bà
khóc lóc, réo gào, tưởng như bà có thể chết theo thái hậu.
Trước tình cảnh tiếc thương người quá cố tới mức gần như hủy hoại
mạng sống của chính mình, nhiều người đem lòng thương quý mẹ con Nhật
Lễ. Và vì thế tình cảm dân chúng kinh kỳ có dịu đi, tựa như bát nước nóng
đã dần dần nguội.
Song với người có tấm lòng trong sáng như khuôn kính chiếu yêu,
Thiên Ninh nhận ra ngay những hành vi hiếu trọng của mẹ con Nhật Lễ,
chẳng qua là nhằm bọc ủ kỹ càng trái tim rắn rết của chúng.
Thiên Ninh công chúa đã bầy tỏ cạn nhẽ với các bậc huynh trưởng như
hữu tướng quốc thái tể Nguyên Trác, tả tướng quốc Cung đinh vương Phủ,
Cung Tuyên vương Kính, Chương túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán...
là những người thân thích ruột rà, rằng Hiển từ thái hậu bị đầu độc. Nhưng
các vương huynh đều khuyên hãy nên dò tìm cho có được một vài chứng lý
rõ ràng. Nếu hấp tấp khởi sự, thiên hạ sẽ cho hành vi của ta là bất cẩn.
Thiên Ninh đau buồn nói với các bậc bề trên:
- Có nhẽ, chỉ khi nào các đại vương được nhà vua tam ban, thời mới
chịu nhận chân sự việc như tôi nói.
( Tam ban: Ba hình thức chết do nhà vua ép buộc, nhưng kẻ chết được
quyền chọn lựa:
- Thanh gươm (chết chém).
- Dải lụa (treo cổ).
- Chén thuốc (uống thuốc độc chết).
Bà giận dỗi bỏ về vương phủ. Công chúa không bao giờ tin rằng thái
hoàng thái hậu lại băng đột ngột như thế, nếu như không phải mẹ con Nhật