XXV
Tin bay về Thăng Long: Chế Bồng Nga gả con gái cho Ngự câu Húc, lại
dẫn về Hoan Châu tiếm hiệu xưng vương, khiến cả triều đình chao đảo.
Kinh thành như hỗn loạn. Các nhà giàu có đều đem của, đem con ngược
Kinh Bắc hoặc lánh ẩn vào các miền rừng núi.
Từng giờ, từng khắc tin dồn dập đưa về: "Đại binh của Chế Bồng Nga
theo đường biển đang tiến vào Thăng Long". Triều đình chưa biết ứng phó
ra sao.
Tham mưu quân sự Lê Quý Ly thống suất đại quân, bèn cho dàn binh ra
ken kín bốn mặt thành. Tướng quân còn dọa sẽ lấy đầu Chế Bồng Nga, nếu
y dám hỗn hào xâm phạm kinh sư một lần nữa.
Vua sai Đỗ Tử Bình đem hải binh chẹn giữ cửa sông Đại Hoàng, không
cho giặc tiến vào Thăng Long bằng đường thủy.
Tử Bình lập trại quân thủy, bộ dầy như bát úp. Chờ ba ngày không thấy
giặc tới, ông cho bớt quân thủy lên bờ nghỉ ngơi. Hai quân thủy, bộ gặp
nhau như cá gặp nước. Họ bèn mở các trò vui như kéo co, đánh vật, đều là
trò giải trí thượng võ cả. Đúng lúc ấy thủy binh giặc ập tới.
Chế Bồng Nga vừa đánh vào quân thủy, vừa đổ quân lên bờ săn đuổi
quân bộ của Đại Việt.
Bị đánh bất ngờ, quân Đại Việt trở tay không kịp, tháo chạy hỗn loạn.
Đỗ Tử Bình được các vệ sĩ xốc lên ngựa, té chạy một mạch về tới Thăng
Long vẫn chưa hoàn hồn.
Tham mưu quân sự Lê Quý Ly vội cho các vệ Thần sách, Long tiệp, Hổ
bôn, Tứ thánh, Tứ thần... hộ giá Nghệ hoàng và quan gia lên thuyền chạy
tuốt qua sông Cái về Đông Ngàn tránh giặc.
Thăng Long bỏ ngỏ.
Chế Bồng Nga dẫn đại binh vào kinh sư Đại Việt thong dong như người
đi chợ. Lần này Chế Bồng Nga mặc sức cho quân lính lùng sục vào các nhà
cướp của, bắt gái đẹp. Bởi Bồng Nga thừa biết nội tình Đại Việt đang rối