Đừng cau có trước những thời hạn
Nhiều người trong chúng ta phải làm việc dưới áp lực nặng nề
của những thời hạn khít khao và liên miên. Bản thân tôi cũng không
ngoại lệ. Nhưng đã bao giờ bạn ngừng lại để suy ngẫm về tâm lý và
cảm xúc tiêu cực của bản thân trước những thời hạn? Và bạn đã bao
giờ tự hỏi về hậu quả tồi tệ sẽ xảy đến khi chúng ta thường xuyên có
tâm trạng như thế? Nếu chưa, tôi khuyên bạn hãy để tâm đến những
câu hỏi này.
Không có gì sai khi ta nói rằng thời hạn chính là thực tế công việc.
Thế nhưng, điều đáng nói là phần lớn căng thẳng của ta không phải
xuất phát từ những thời hạn mà chính là từ thái độ của ta khi nghĩ về
chúng, từ việc ta cuống cuồng lo lắng liệu mình có thực hiện kịp tiến
độ hay không, việc ta cảm thấy tội nghiệp bản thân mình, không
ngừng than phiền và bày tỏ sự than phiền đó với mọi người xung
quanh.
Một lần nọ, tôi hẹn một đối tác ở văn phòng của anh ấy. Vì anh
đến trễ do kẹt xe nên trong lúc chờ đợi, tôi cố đọc lại một vài tài liệu.
Thế rồi tôi bị cuốn vào cuộc đối thoại của hai nhân viên đang đứng
gần mình. Họ đang than phiền với nhau về thời hạn khít khao và bất
công mà họ phải nhận. Theo lời họ kể, tôi biết rằng họ chỉ có hai giờ
để hoàn thành một vài báo cáo.
Tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên khi nghe họ nói chuyện với
nhau: cả hai bỏ ra cả tiếng đồng hồ để than phiền về thời hạn được
giao trong khi lại không bắt tay vào thực hiện chúng! Cuối cùng, một
trong hai người họ kêu lên thất thanh: “Ôi trời ơi, chúng ta phải làm
việc ngay thôi. Chỉ còn có một giờ nữa!”.
Theo tôi, đây là một ví dụ rất điển hình về việc phí phạm thời gian
cho việc ca cẩm về thời hạn. Rõ ràng, bản thân thời hạn không phải là
nhân tố chính gây nên sự căng thẳng. Hôm đó, hai nhân viên trên
dường như cũng nhận ra rằng họ có thể hoàn thành công việc trong
thời hạn quy định – thậm chí chỉ trong vòng một giờ. Hãy thử suy
nghĩ xem, nếu hai người này bình tĩnh cùng nhau thực hiện công việc
thì kết quả sẽ khác biệt ra sao.