Năm 1992, một niềm vui hiếm hoi đến với Cụ Nguyễn Trọng Phấn là
được về thăm lại mảnh đất Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, điều mà bấy lâu Cụ
ao ước.
Có được niềm vui ấy là nhờ ông Nguyễn Sĩ Hóa, bác sĩ giám đốc trại
Phong Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (sau này là Phó Giám đốc Bệnh viện
Da liễu Trung ương) có thư mời cha tôi và các anh em Chiếu Văn về thăm,
nói chuyện Bác Hồ cho cán bộ và bệnh nhân bị bệnh Phong của trại nghe,
nhân kỷ niệm 19/5 ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyến đi đó có
nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Siêu Hải, nhà văn Mạc Phi, nhà báo Phùng Văn
Mỹ, bác Trần Bá, bác Trần Xuân Thảo (hậu duệ Đề đốc Trần Xuân Soạn)
và Cụ Nguyễn Trọng Phấn.
Trước ngày vào Quỳnh Lưu, tôi nghe Cụ Phấn tâm sự với cha tôi. Cụ
nói:
Quỳnh Lưu, Nghệ An mảnh đất nơi tôi có nhiều kỷ niệm. Cha tôi làm
công chức được người Pháp bổ dụng vào Kẻ Hàu, (nay thuộc xã Phú Đức)
huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An để quản lý muối một thời gian. Theo sắc
lệnh của Phủ Toàn quyền từ năm 1903, Pháp cấm người Việt Nam kinh
doanh các mặt hàng như: Muối, rượu, thuốc lào, thuốc phiện... Năm 1924,
tôi theo cha vào học trường Thanh Sơn (ở làng Thanh Sơn nay thuộc xã
Sơn Hải). Vì năm đó, huyện Quỳnh Lưu người Pháp mới mở thêm 6 trường
Kiêm bị (École Préparatoire). Riêng tổng Thanh Viên có trường Kiêm bị ở
làng Thanh Sơn. Làng này xưa còn có tên gọi nữa là Kẻ Ngò, hay làng Ngò
nổi tiếng nghề trồng thuốc lào thơm ngon.
Nhắc đến thời theo cha vào đất Quỳnh Lưu đi học là để nhớ về một
chuyện.
Đầu năm 1931, phong trào Cộng sản ở Nghệ An đang dâng cao, tối được
bổ dụng về làm thông phán tại Sở Cađat ở Vinh, Nghệ An. Năm đó tôi đã
20, 21 tuổi. Ngày đầu tiên đến nhận việc, tôi bất ngờ chứng kiến một
chuyện đau lòng.