mất đi tức là họ mất hết cả hy vọng và họ không nhờ cậy được vào ai nữa.
Số những đàn ông các quan, người nhà của chúa, đi đưa đám không dưới
một nghìn; các công chúa, các phu nhân trong vương phủ, vào số tám chín
trăm người, trùm thứ mạng và mặc thứ áo tôi đã nói ở trên, đi theo liền sau
đấy. Cuối cùng là bốn nghìn thân binh mang khí giới. Ra đến bờ sông thì
mọi người đứng lại nghỉ cho hết mệt.
Thuyền rồng của chúa đã bỏ neo sẵn và được trần thiết long trọng hơn
mọi ngày; áo quan mang xuống thuyền thì một loạt súng thần công và súng
trường bắn. Mui thuyền lợp bằng vải dệt bằng vàng, sàn thuyền phủ thảm
Ba Tư đắt tiền và quý giá; bọn phu thuyền mặc những thứ hàng dị kỳ và
lộng lẫy. Hai chiếc thuyền khác, từ mũi đến lái, thếp vàng cả bên trong lẫn
bên ngoài ghé sát vào bờ để chở chiếc thứ nhất cảnh thành thị đắp nổi;
chiếc thứ hai, cái nhà táng.
Sửa soạn xong thì có hiệu cho thuyền nhổ neo; ai có phận sự trên thuyền
đều lên chỗ mình làm và cầm lấy mái chèo bơi; bắt đầu bơi từ từ và đúng
dịp để cho thế tử và các vương đệ được tròn lòng hiếu thảo với tiên vương.
Đợi cho thuyền đi đến chỗ khuỷu sống khuất đi, thế tử và các vương đệ
mới trở về phủ. Thế tử cùng em ngài lúc trước đã phải giẫm chân xuống
nước và xuống bùn rất lâu khi đó buồn rầu lặng lẽ trở về cung. Ngài không
nói năng với các em và các quan đi đưa về, người nào mặt cũng rầu rầu.
Dân gian phải để tang chúa 27 bữa, trong thời kỳ này không ai được mở
tiệc ăn uống, cưới xin hay kiện tụng. Nhà chúa còn ban lệnh trong hạn ba
năm không được vào đám hội hè gì long trọng, cấm ngặt đờn ca, múa hát,
diễn kịch hoặc cuộc vui tương tự.
Nhưng đám ma đưa như thế chưa phải là đã hết; đấy mới phác họa một
điều dự định lớn lao người ta hoãn lại để đến khi đem thực hành được thêm
phần long trọng. Bao nhiêu thợ khéo đều làm; chi phí có tốn kém lạ lùng thì
đã có dân gian vui lòng đóng góp thêm vào để làm cho đám ma tiên chúa
được thêm phần rực rỡ. Sau đây tôi sẽ nói rõ ràng.