Những điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng vẫn cần nhắc lại
rằng truyền tải thông điệp là một việc hết sức quan trọng trong
hoạt động PR. Bạn phải hiểu được thông điệp của mình là gì, bạn
muốn gửi thông điệp đó đến những ai và làm thế nào để thông
điệp đó được hiểu đúng như ý bạn muốn.
Các rào cản giao tiếp có thể xuất hiện ở bất kỳ mắt xích nào
của quá trình giao tiếp, bao gồm người gửi, thông điệp, kênh
truyền tin, người nhận, phản hồi (xem Hình 2.2), do đó mục tiêu
của bạn là giảm thiểu tần suất phát sinh rào cản bằng cách tiến
hành truyền thông thật rõ ràng, súc tích, chính xác và được chuẩn bị
chu đáo.
Hình 2.2 Quá trình giao tiếp
Chúng ta hãy tìm hiểu từng mắt xích trong quá trình này.
Người gửi: Để đạt hiệu quả cao trong giao tiếp, trước tiên bạn
phải thể hiện được uy tín cá nhân. Điều đó liên quan kiến
thức chuyên môn của bạn, đối tượng truyền thông và bối
cảnh mà trong đó thông điệp sẽ được gửi đi. Bạn cũng phải hiểu
được đối tượng truyền thông của mình, nếu không muốn
gửi đi những thông điệp không phù hợp, hoặc thông điệp của
bạn bị hiểu nhầm.