nhan sắc ấy. Tôi cúi mặt xuống vầng trán phẳng lì ấy, xuống đôi môi chẩu
ra một cách dịu dàng ấy và nhủ thầm: đấy là một khuôn mặt nhạc sĩ, đây là
Mozart khi còn là trẻ con, đây là một lời hứa hẹn tốt đẹp của cuộc đời. Các
hoàng tử nhỏ của truyện thần thoại cũng chẳng có gì khác em: được chăm
chút, bảo vệ, vun xới. Có cái gì mà không mong mỏi được cho em! Khi
bằng phép đột biến, cho nảy được một đóa hoa hồng mới trong các khu
vườn, tất cả những người làm vườn đều xúc động. Người ta che chở nó, vun
xới nó, nuông chiều nó. Nhưng đối với những con người, nào có người làm
vườn nào! Mozart trẻ thơ cũng sẽ bị cái máy rập đánh dấu như mọi người
khác. Mozart sẽ làm ra những cái vui sang nhất của mình từ một thứ âm
nhạc thiu ôi trong mùi hôi hám của các quán nhạc giải khát. Mozart bị phế
bỏ!
Rồi tôi trở về toa tôi. Tôi tự nhủ: những con người này tuyệt không đau
khổ vì cái số phận của họ. Tuyệt không phải là lòng bố thí giày vò tôi ở đây.
Vấn đề không phải là xót thương trên một vết đau vĩnh viễn không liền
miệng. Những người mang vết đau đó, không cảm thấy có nó. Ở đây, một
cái gì như là loài người chứ không phải là cá nhân ai bị thương, bị xúc
phạm. Tôi tuyệt chẳng tin ở sự xót thương. Cái giày vò tôi, là quan điểm
của người làm vườn. Cái giày vò tôi, tuyệt không phải là sự nghèo quẫn
này, trong sự nghèo quẫn này, sau hết, người ta cũng tìm được một chỗ nằm
yên như nằm yên trong sự nhác lười. Hàng thế hệ người phương Đông sống
trong cáu bẩn và quen đi. Cái giày vò tôi, những điểm phát đồ ăn miễn phí
cho người nghèo cũng không sao chữa được. Cái giày vò tôi, không phải
những chỗ lồi kia, những chỗ lõm kia, cũng không phải vẻ xấu xí kia. Ấy là
trong mỗi con người đó, có một phần Mozart bị ám hại.
Chỉ có Trí Tuệ, nếu nó thổi qua đất sét, mới tạo được CON NGƯỜI.