Trận Midway là một trận thủy chiến lớn đầu tiên và cuối cùng trong đó sự
thắng bại tùy thuộc vào mẫu hạm. Yamamoto đã mở một trang sử mới về
chiến tranh hải quân, nhưng là một trang sử rất ngắn, vừa mở ra đã khép lại
ngay, với cái chết của ông. Dù sau các thất bại tại Midway và Guadacanal,
nếu Yamamoto không chết trong trận phục kích tại Bougainville thì cục
diện Thái Bình Dương cũng khác đi. Yamamoto có thể chuyển bại thành
thắng, và tinh thần chiến đấu của hải quân Nhật sẽ cao hơn nếu Yamamoto
còn sống và vẫn là tư lệnh của họ. Chính đô đốc Nimitz của Mỹ cũng phải
kiêng nể Yamamoto và thường công nhận Yamamoto là kẻ thù đáng sợ nhất
trong đời ông.
Yamamoto quả thật là một thiên tài về hải chiến và ông đã đi trước người
đồng thời của ông. Ông đã làm chủ Thái Bình Dương trong suốt một năm
rưỡi, và trong trận đánh Guadacanal trước khi ông chết, Yamamoto đã tỏ tài
quân sự quán thế của ông trong công cuộc triệt thoái được 13 ngàn quân
Nhật ra khỏi Guadacanal mà chỉ bị những thiệt hại rất nhỏ. Ðây là một kỳ
công của Yamamoto, vì rút quân khó hơn là tiến quân. Giống như những
nhà lãnh đạo quân sự đại tài khác, Yamamoto bao giờ cũng tự mình làm
gương cho người khác, và bao giờ cũng nắm vững mọi chi tiết, dù lớn hay
nhỏ. Ông đòi hỏi mọi cấp binh sĩ phải tập luyện để có đủ khả năng thực
hiện được nhiệm vụ của mỗi người.
Người Nhật thương tiếc cái chết của ông, nhưng thực ra cái chết của ông
phản ảnh đúng sự tiên đoán của ông. Yamamoto vẫn thường tin rằng ông
không sống sót trận chiến tranh tại Thái Bình Dương, một trận chiến mà
ông bất đắc dĩ phải thi hành, và lúc nào ông cũng muốn làm bạn với người
Mỹ. Tuy nhiên cái chết bất thình lình của ông có thể giúp ông tránh cái
nhục phải trông thấy nước Nhật bại trận. Ðiều đó đối với ông có lẽ còn đau
đớn hơn cái chết nữa.
Cuộc đời binh nghiệp của Yamamoto thật là hoàn hảo, hoàn hảo theo quan
niệm của một võ sĩ đạo. Ông đã đạt tới tột đỉnh của binh nghiệp khi được
phong làm Ðô đốc Tư lệnh Liên Hạm đội Nhật, và chinh phục được niềm