Cuộc tấn công Trân châu cảng đã đạt được những mục tiêu căn bản của
Yamamoto là ngăn cản hạm đội Thái bình dương của Mỹ can thiệp vào các
cuộc hành quân tại phía nam để chiếm khu vực dầu lửa. Nhưng cuộc tấn
công này cũng không đạt được hoàn toàn các điều mong đợi của
Yamamoto, vì các hàng không mẫu hạm Mỹ vẫn còn nguyên vẹn. Chính
các mẫu hạm Mỹ mới đích thực là mục tiêu khi Yamamoto dự định và đặt
kế hoạch tấn công. Các mẫu hạm Mỹ là mối quan tâm lo lắng nhất của
Yamamoto vì các mẫu hạm có khả năng đem chiến trường lại gần Nhật bản.
Yamamoto vẫn tiếp tục chiến thuật căn bản của ông là kết hợp các phi công
ưu tú trên 6 mẫu hạm. Các mẫu hạm này sẽ tập trung sức mạnh khủng
khiếp, dụ các mẫu hạm Mỹ ra khơi giao chiến và tấn công hạm đội địch
bằng một sức mạnh đè bẹp. Ðó là lý do của các trận hải chiến ác liệt tại
biển San Hô và quần đảo Midway sau này.
Về phần Mỹ, trận đánh Trân châu cảng là một chiến bại nặng nề, một bài
học không thể quên được. Phải một thời gian khá lâu hạm đội Thái bình
dương mới phục hồi lại được, trong khi hải quân Nhật tung hoành tại Thái
Bình Dương mà không gặp một cản trở nào. Phải mãi sau khi đô đốc
Yamamoto bị tổng thống Roosevelt ra lệnh chặn đường phục kích ám sát
rồi, Mỹ mới lấy lại được thế thượng phong.
Trong các chiến hạm Mỹ bị đánh chìm tại Trân châu cảng thì chiếc Arizona
là chiến hạm lớn nhất. Ngày nay tại Hawaii có một đài kỷ niệm nơi chiếc
Arizona bị đánh chìm. Hàng ngày hàng ngàn du khách được tầu hải quân
chở ra đài kỷ niệm để tưởng nhớ các binh sĩ anh dũng của Mỹ đã can đảm
chết theo chiến hạm Arizona. Trên đài kỷ niệm, du khách có thể trông thấy
chiếc Arizona còn nằm dưới lòng biển, và thỉnh thoảng từng giọt dầu còn
sủi lên, mặc dù con tầu đã chìm cách đây hơn một nửa thế kỷ rồi. Thực ra
những giọt dầu đó là do một bộ máy người ta đặt ra sau này, cứ vài giây lại
nhả ra một vài giọt dầu sủi lên, như là những giọt máu vẫn còn chảy ra từ
một vết thương chưa lành, để gây xúc động và khơi dậy lòng ái quốc cho