Friedrich Nietzsche
Zarathustra đã nói như thế
Trần Xuân Kiêm dịch và giới thiệu
- 44 -
VỀ SỰ E DÈ CẨN TRỌNG
CỦA LOÀI NGƯỜI
Không phải chiều cao, nhưng chính dốc thẳm mới là điều khủng khiếp!
Dốc thẳm nơi cái nhìn phóng xuống hố thẳm hư không, nơi bàn tay với lên
về những đỉnh cao. Đấy chính là nơi quả tim xao xuyến quay cuồng chóng
mặt trước cái ý chí lưỡng diện của mình.
Hỡi ơi! Hỡi các bạn, các bạn đoán ra được cái ý chí lưỡng diện của ta
chăng?
Bởi vì, đây, đây là dốc thẳm và mối nguy hiểm của ta: cái nhìn của ta
phóng ào lên đỉnh cao trong khi bàn tay ta muốn bấu víu và giữ thăng bằng
- trong những vực sâu.
Con người chính là nơi ý chí ta bấu chặt vào, ta bị buộc vào con người bằng
những sợi xích, bởi vì ta bị cuốn hút về với Siêu nhân; bởi lẽ đấy là chỗ mà
ý chí kia của ta muốn đi đến.
Chính vì thế ta sống đui mù giữa loài người, như thể ta không nhận ra họ;
để cho bàn tay ta đừng mất hẳn đức tin nơi chỗ nương tựa vững vàng.
Ta không biết các ngươi, hỡi loài người: sự tối tăm và sự an ủi thường luôn
vây phủ quanh ta.
Ta ngồi trước cánh cổng, phó thân cho tất cả những kẻ vô lại và ta hỏi: Ai
muốn đánh lừa ta?
Sự e dè cẩn trọng đầu tiên đầy chất người của ta là cứ để mình bị đánh lừa,
để khỏi bị bắt buộc phải nghi kị đề phòng những kẻ lừa gạt.
Hỡi ôi! Nếu nghi ngờ con người, thì con người có thể nào làm chiếc neo để
neo trái cầu của ta lại? Ta rất dễ bị chiếc cầu nhấc bay lên cao tít tắp.
Sự e dè cẩn trọng đầu tiên chi phối vận mệnh của ta là: phải nhất thiết đừng
e dè cẩn trọng gì cả.
Kẻ nào giữa loài người không muốn chết khát thì phải học uống trong tất cả