sự trừng phạt, phải hiện sinh?” Cơn điên cuồng đã nói như thế.
“Có thể nào có sự cứu rỗi nếu có một quyền vĩnh cửu? Hỡi ôi! Ta không
thể nâng nổi tảng đá tên là “Cái đã xảy ra”: vì thế, tất cả mọi hình phạt
cũng phải vĩnh cửu”. Cơn điên cuồng đã nói như thế.
“Chẳng hành động nào có thể bị hủy hoại: làm thế nào hành động lại bị tiêu
trừ bởi hình phạt cho được? Điều này, vâng, chính điều này là điều có tính
chất vĩnh cửu trong sự trừng phạt gọi là cuộc hiện sinh: cuộc hiện sinh chỉ
có thể vĩnh viễn trở thành một chuỗi những hành động và những tội lỗi sai
lầm.
“Trừ phi cuối cùng ý chí tự giải phóng chính mình, và trừ phi ý chí trở
thành phi-ý-chí”: nhưng, hỡi các bạn, các bạn đã biết rõ ngụ ngôn của cơn
điên cuồng này rồi!
Ta đã dẫn các bạn đi xa những ngụ ngôn đó khi ta dạy các bạn rằng: “Ý chí
là sáng tạo”.
Tất cả những gì “đã xảy ra”, “đã hoàn tất” đều là mảnh vụn, ẩn ngữ và là sự
ngẫu nhiên tàn bạo, - cho đến khi ý chí sáng tạo thêm vào: “Nhưng, đấy
chính là điều ta đã ước muốn”.
- Mãi cho đến khi ý chí sáng tạo thêm vào: “Nhưng đấy chính là điều ta
đang ước muốn! Đấy chính là điều ta sẽ ước muốn!”
Nhưng ý chí ấy đã có bao giờ nói thế chưa? Và khi nào nó sẽ nói? Ý chí đã
được tháo gỡ ra khỏi cơn điên cuồng của nó chưa?
Ý chí đã trở thành kẻ cứu chuộc và kẻ mang lại niềm vui cho chính mình
chưa? Ý chí đã tập quên đi tinh thần phục thù cùng tất cả những sự nghiến
răng giận dữ chưa?
Và ai là kẻ đã dạy cho ý chí hòa giải với thời gian và một cái gì đó cao cả
tót vời hơn tất cả mọi sự hòa giải?
Ý chí, tức là ý chí cường lực, phải ước muốn một cái gì cao xa hơn là sự
hòa giải, - nhưng ý chí làm thế nào đạt đến đấy được? Ai là kẻ sẽ dạy cho ý
chí ước muốn ngược dòng thời gian?”
Nhưng nói đến đây, đột nhiên Zarathustra ngừng lại, như kẻ đang bị nỗi
kinh hoàng tối thượng vồ chụp. Với đôi mắt khiếp hãi thất thần, hắn nhìn