“Đợi đường được khai thông, anh sẽ lập tức về Thành Đô.” Quý Thành
Dương bảo cô.
Lúc này có rất nhiều phóng viên khoẻ mạnh về thể chất, bình tĩnh về mặt
tinh thần đang liên tục đi vào khu xảy ra thảm hoạ, còn anh với tình hình
sức khoẻ thế này thì điều thực sự nên làm là không trở thành gánh nặng cho
người khác. Kỷ Ức ở đầu dây bên kia đáp: “Vâng, chỉ cần anh ở đó an toàn
thì cứ ở lại chờ thêm mấy ngày… Anh có thật sự đang ở Đạt Châu không?”
Cô sợ anh nói dối mình.
“Thật mà, tin anh đi, Tây Tây, anh rất an toàn.” Anh nói ngắn gọn.
Hai người bạn phóng viên đứng bên cạnh cũng đang chờ để gọi điện báo
tin bình an cho người nhà nên Quý Thành Dương nhanh chóng kết thúc
cuộc gọi và đưa điện thoại cho bạn mình.
Tối hôm ấy, ba người họ rời khỏi bệnh viện.
Nguy cơ dư chấn khiến bệnh nhân trong cả toà nhà đã bỏ đi mất tám,
chín phần, những người ở lại đều là những người không thể rời khỏi gường
bệnh vì những căn bệnh như nhồi máu não hay suy tim… và những cụ già
neo đơn không có người nhà nữa. Nhân viên y tá ở lại cũng không nhiều, từ
tám giờ tối các bác sĩ và y tá liên tục phân thành những nhóm giải cứu nhỏ
và rời khỏi bệnh viện, họ còn không kịp trở về nhà mà đi thẳng đến khu vực
cứu nạn ở Vấn Xuyên. Ba người họ ngủ trong phòng bệnh, cùng với đối
tượng phỏng vấn buổi chiều.
Đêm khuya, khi y tá đi kiểm tra phòng bệnh, phát hiện tình trạng của
Quý Thành Dương không ổn nên thu xếp máy thở oxy cho anh. Hai người
lính già thời kì kháng chiến được phỏng vấn thấy tình trạng sức khoẻ của
Quý Thành Dương như vậy liền quay sang quan tâm hỏi han anh.
Dần dần, mấy người họ bắt đầu trò chuyện.