Theo Maney, phần lớn những bài viết giới thiệu về doanh nghiệp không thu
hút được sự chú ý của công chúng vì chúng chứa đầy tính “phe phái” –
nghĩa là có quá nhiều người tham gia vào quá trình hình thành thông điệp.
Một thông cáo báo chí trước khi đến tay báo giới thường bị “thêm mắm
thêm muối” bởi các nhân viên, trưởng phòng có liên quan và phòng pháp
chế. Ai ai cũng muốn chứng tỏ mình hiểu biết một điều gì đó, thế là nội
dung thông cáo sẽ bị cắt xén, thêm bớt tùy thích. Kết quả là, “lắm thầy
nhiều ma”. Tác phẩm cuối cùng lại hóa ra chẳng liên quan đến đối tượng
chính, mà thay vào đó, dường như nó thích hợp với các viên quản lý, luật
sư… thay vì công chúng và báo giới.
Cần nhớ rằng hầu hết những bài nói chuyện đều bắt đầu từ một số hình thức
tài liệu nào đó đã được viết sẵn, và trong nhiều trường hợp đã được cấp trên
phê duyệt trước. Những vấn đề tương tự dẫn đến một bản thông cáo báo chí
tệ hại cũng có thể làm hỏng một bài phát biểu.
Một tủ quần áo đẹp không thể thiếu trang sức đồng bộ
Sẽ không đủ nếu chỉ kể một câu chuyện như chúng ta đã thảo luận ở Bí
quyết Giao tiếp Đơn giản thứ 2: Nguồn cảm hứng. Mà bạn phải làm cho câu
chuyện của bạn trở nên nổi bật với các yếu tố như giai thoại, sự chứng
nhận, ví dụ, số liệu thống kê và nhân chứng. Điều này cũng giống như
những trang sức đi kèm sẽ giúp tôn vinh bộ quần áo đẹp của bạn vậy.
Tạp chí Fortune đã nói về sức thu hút của các nhà quản lý trong một bài
báo hồi tháng 1/1996 như sau “Những người nói chuyện hấp dẫn có khả
năng đáng kinh ngạc trong việc gạn lọc các ý tưởng phức tạp và biến chúng
thành những thông điệp đơn giản. Thế thì đâu là bí mật của họ? Họ giao
tiếp bằng biểu tượng, các ví dụ tương đồng, phép ẩn dụ vào những câu
chuyện. Nếu họ thực sự có sức cuốn hút, ngay cả những người công nhân ở
nhà máy và các nhân viên bảo vệ cũng có thể hiểu thông điệp của họ”. Còn
bạn, bạn cũng có thể dễ dàng làm cho người nghe thấu hiểu những gì bạn
nói bằng cách sử dụng những công cụ riêng của mình.