4. Trên cơ sở nói trên, lần lượt tiêu diệt từng nước một như nước Hàn, nước Ngụy, nước Triệu và các
nước khác, để cuối cùng đạt đến mục đích thống nhất thiên hạ.
Sau khi nguyên tắc "hòa hoãn với nước xa, tấn công nước gần" của Tần được xác lập, thì Phạm Thư đã
kịp thời giúp cho Tần đặt kế hoạch thu phục nước Hàn. Nước Hàn là nước yếu nhất trong bảy nước
thời bấy giờ. Phạm Thư đã chọn đúng đột phá khẩu.
Trước tiên, ông phân tích cho Tần Chiêu Vương nghe ý nghĩa chiến lược về việc thu phục nước Hàn :
- Nước Tần và nước Hàn có lãnh thổ đan chéo với nhau. Nước Tần mà có nước Hàn thì chẳng khác
nào gỗ có sâu mọt, con người có bệnh nội tạng. Khi thiên hạ không có biến loạn gì thì thôi, một khi có
biến loạn thì kẻ gây ra tai nạn lớn nhất cho nước Tần không ai khác hơn nước Hàn. Vậy Tần Vương
nên thu phục nước Hàn trước.
Tần Chiêu Vương nói :
- Cô gia vốn cũng muốn thu phục nước Hàn, nhưng nước Hàn không chịu nghe theo thì biết làm sao ?
Phạm Thư đã chuẩn bị sẵn ý kiến trong lòng, liền đáp :
- Nước Hàn làm sao dám không nghe theo lệnh, dám không chịu quy phục Đại vương chứ ? Nếu Đại
vương phái binh trước tiên đánh chiếm Huỳnh Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự và giao
thông của nước Hàn, làm cho con đường từ Củng và Thành Cao bị gián đoạn, phía Bắc cắt đứt với con
đường Thái Hành, khiến quân Hàn ở Thượng Đảng không làm sao xuống được. Như vậy, chỉ với một
trận đánh mà có thể cắt nước Hàn ra thành ba đoạn. Một khi quân Hàn không còn chống trả được, thì
họ tại sao lại không quy phục Đại vương chứ ?
Tần Chiêu vương gật đầu cho là phải, đồng ý với phương án của Phạm Thư. Từ đó trở đi, mới liên
tiếp những cuộc tấn công có tính cách hủy diệt.
Năm Tần Chiêu Vương thứ bốn mươi hai (265 trước công nguyên) quân Tần tấn công và chiếm lĩnh
Thiếu Khúc (nay là vùng Đông Bắc Tế Nguyên của tỉnh Hà Nam) của nước Hàn, và Cao Bình (nay là
vùng đất nằm về phía Nam của Tế Nguyên).
Năm Tần Chiêu Vương thứ bốn mươi ba (264 trước công nguyên), Đại tướng Bạch Khởi của Tần đánh
chiếm Hình Thành (nay là vùng Đông Bắc Khúc Ốc thuộc tỉnh Sơn Tây).
Năm Tần Chiêu Vương thứ bốn mươi bốn (263 trước công nguyên), Bạch Khởi tấn công và chiếm
được Nam Dương nằm ở phía Nam Thái Hành Sơn của nước Hàn. Năm sau lại đánh chiếm Dã Vương
(nay là Tẩm Dương thuộc tỉnh Hà Nam).
Đến đây, nước Tần đã chặt nước Hàn ra làm ba đoạn, khiến vùng Thượng Đảng đã hoàn toàn bị cô
lập.
Dưới những đòn tất công sấm sét của quân Tần, nước Hàn đã bị cắt manh mún, chỉ còn chờ chết.