9. Nhường Chức Cho Thái Trạch
Châu Noãn Vương năm thứ năm mươi tám (257 trước công nguyên), sau khi Bạch Khởi chết, Phạm
Thư tiến cứ người thân tín của mình là Trịnh An Bình lên làm tướng tấn công nước Triệu, nhưng bị
Bình Nguyên Quân của nước Triệu đánh bại. Trịnh An Bình dẫn hai vạn binh sĩ chạy sang đầu hàng
Triệu. Căn cứ theo pháp luật đương thời của nước Tần, Phạm Thư bị tội liên lụy và sẽ bị tru di cả tam
tộc. Nhưng Tần Chiêu Vương nghĩ ông là người từng có công lớn, nên đã tha thứ. Chẳng những không
trị tội mà trái lại còn ban cho nhiều thức ăn để an ủi.
Thế nhưng, sang năm thứ ba (255 trước công nguyên), một người thân tín khác của Phạm Thư là
Vương Kê, đang làm Thái thú Hà Đông, nhưng lại tư thông với chư hầu, chuyện bị bể và bị xử tử.
Phạm Thư dù dính líu đến chuyện khả nghi đó nhưng Tần Chiêu Vương vẫn không bắt tội. Dù vậy,
trong nhiều dịp lâm triều, nhà vua thường cất tiếng than :
- Nay Võ An Quân Bạch Khởi đã chết, Trịnh An Bình lại phản bội, còn Vương Kê thì tư thông với
địch quốc. Bên ngoài cường địch quá nhiều, bên trong lại thiếu tướng giỏi, khiến quả nhân cảm thấy
hết sức lo buồn.
Phạm Thư nghe lời nói có ngụ ý sâu xa đó, tự biết mình đã bị thất sủng, địa vị đang bấp bênh, nên vừa
xấu hổ lại vừa sợ, bắt buộc phải nghĩ đến kế rút lui. Tuy nhiên, Phạm Thư vẫn không muốn buông bỏ
chức vụ, quyền thế, và cuộc sống phú quý vinh hoa. Do vậy, ông chỉ lấy cớ bệnh để tránh né, thường
không đi họp triều, nhằm kéo dài thời gian để suy tính.
Lúc bấy giờ, có người nước Yên là Thái Trạch đến nước Tần. Người này có tướng mạo rất đặc biệt,
trong túi không một trong xu, nhưng tài hoa rất xuất chúng. Trong thời Chiến quốc, chiến loạn diễn ra
liên miên, Thái Trạch đã học được phép biện luận của những nhà tung hoành, có ý định đến các nước
chư hầu để tìm người trọng dụng, vươn lên hưởng một cuộc đời vinh hoa phú quý. Nhưng Thái Trạch
đi khắp các nước trong thiên hạ, tới bái kiến các chư hầu lớn nhỏ, nhưng không có vị quốc vương nào
tỏ ra tán thưởng ông ta cả. Khi đến nước Triệu, Thái Trạch bị đuổi ra khỏi nước này. Và khi ở nước
Ngụy, ngay cả nồi cơm của mình cũng bị người ta đoạt mất. Thái Trạch kêu trời trời không nghe, kêu
đất đất lặng thinh. Giữa lúc nghèo khổ cùng cực, bỗng ông ta được biết Ứng Hầu ở nước Tần là Phạm
Thư, trước kia có trọng dụng hai người, nay cả hai đều bị phạm tội. Ông ta nghĩ thầm : "Đấy có lẽ là
thời cơ may mắn đã tới với ta, bèn hối hả thu thập hành trang, đi bất kể ngày đêm để tới nước Tần.
Khi Thái Trạch đến kinh đô của nước Tần là Hàm Dương, trước khi tìm cách vào bái kiến Tần Chiêu
Vương, ông ta nhờ nhiều người tạo dư luận giúp mình, rêu rao : "Từ nước Yên mới có một người tên
Thái Trạch đến. Người này là một nhà mưu lược giỏi ăn nói nhất hiện nay. Nếu ông ta gặp được Tần
Vương, thì chắc chắn sẽ được Tần Vương trọng dụng và bãi chức Thừa tướng của Phạm Thư”. Những
lời đồn đại đó nhanh chóng thấu tai Phạm Thư. Phạm Thư hết sức tức giận, nghĩ bụng : “Chuyện Tam
Hoàng Ngũ Đế, học thuyết của Bách gia Chu Tử ta đã học thuộc làu.