1. Nhận Sách Tại Hạ Phi
Trương Lương ( ? - 189 trước công nguyên), tự Tử Phòng, sinh tại Thành Phụ (nay là địa phương nằm
về phía Đông Nam huyện Bặc, tỉnh An Quy) thuộc nước Hàn cuối đời Chiến Quốc. Ông xuất thân từ
một gia đình quý tộc. Ông nội là Trương Khai Địa, từng làm Tể tướng cho Hàn Chiêu Hầu, Hàn Tuyên
Huệ Vương, Hàn Tương Vương, thân phụ là Trương Bình, nối tiếp cha làm Thừa tướng cho Hàn Hy
Vương, Hàn Hoàn Huệ Vương.
Năm Tần Vương Chánh (Thủy Hoàng) thứ 7 (230 trước công nguyên), Tần diệt Hàn. Lúc bấy giờ
Trương Bình đã chết, Trương Lương còn nhỏ, chưa ra làm quan, trong nhà vẫn còn hơn ba trăm đầy tớ,
vẫn còn phong độ của một thế tộc. Do thiên đường cũ đã bị hủy diệt, nên Trương Lương cũng như bao
nhiêu thế hệ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc sót lại, trong lòng bao giờ cũng cháy hừng hực ngọn lửa phục
thù. Ông có ý đồ muốn ám sát Tần Thủy Hoàng để trả mối thù cho nước Hàn. Do vậy, mới có chuyện
xảy ra như kể trên. Tuy nhiên, việc ông hăng hái hoạt động để trả mối thù riêng của mình, chỉ đưa đến
thất bại và bản thân lâm vào một hoàn cảnh đầy nguy hiểm, chứ không thể làm thay đổi gì được cho đại
cục trong thiên hạ. Đó là lẽ tất nhiên của lịch sử.
Nhưng, bất luận là thiên đạo hay nhân sự, trong tất nhiên bao giờ cũng đi kèm với rất nhiều trường hợp
ngẫu nhiên. Giữa lúc Trương Lương sa vào cảnh cùng đường mạc lộ, thì ông lại may mắn gặp được
Hoàng Thạch Công tại Hạ Phi. Chính do sự "ngẫu nhiên" đó, đã đưa đến một vận hội chuyển biến cho
ông, giúp ông tiến bộ vượt bực trong vấn đề học vấn, để tạo vốn liếng cho mình phụ tá những bậc đế
vương sau này. Vậy, chúng ta hãy nghe lại câu chuyện mang tính truyền kỳ này như sau:
Một hôm, Trương Lương rảnh rỗi, tản bộ đến đầu Cầu Hạ Phi trông thấy cụ già cởi giày và làm rơi
xuống cầu. Cụ già quay lại gọi Trương Lương :
- Bớ thằng bé ! Hãy xuống lượm giày cho ta !
Trương Lương cố đè nén sự bất mãn trong lòng, xuống cầu nhặt chiếc giày lên cho cụ già. Cụ già ngồi
tréo chân trên cầu, bảo Trương Lương mang giày giúp cụ. Đứng trước một sự kiện có tính làm nhục
như vậy, mỗi người có sự tu dưỡng khác nhau, tất nhiên cũng sẽ có sự phản ứng khác nhau. Ban đầu
Trương Lương do ý thức quý tộc vốn có của mình, kết hợp với tính nóng nảy của tuổi trẻ, muốn vung
tay tát cho cụ già một cái tát. Nhưng, cuối cùng do ông đã từng trải qua bao nhiêu tang thương biến đổi
trong cuộc đời, chịu đựng bao nhiêu sự trui rèn qua những ngày sống phiêu bạt, trôi nổi, nên lòng dạ
rộng rãi của một người thanh niên có chí, đã giúp ông giữ bình tĩnh trở lại.
Trương Lương khom người xuống, mang giày giúp cho cụ già. Xong, cụ già cười dài rồi bỏ đi. Nhưng
đi được chừng một dặm đường, cụ già bỗng quay lại chiếc cầu khen tặng Trương Lương :
- Thằng bé nhà ngươi có thể dạy đỗ đấy.