Như vậy, đương nhiên là có tính nguy hiểm trong đó. Cho nên một nhà mưu lược cần có năng lực phán
đoán và dự kiến một cách gan dạ, thông minh chuẩn xác. Cho nên có thể nói, khả năng dự kiến chính là
khả năng không thể thiếu được của những nhà mưu lược. Riêng về mặt này, nếu so sánh giữa Điền
Phong và Quách Gia, thì rõ ràng Điền Phong kém hơn một bậc.
Quách Gia dự kiến khi đông chinh để đánh Lưu Bị, thì có thể giành được thắng lợi nhanh chóng. Trong
khoảng thời gian này Viên Thiệu rất có khả năng xuất binh. Nhưng cho dù có xuất binh, thì cũng do bản
tính chậm chạp nên không ảnh hưởng to lớn đối với tình hình chung. Về sau, sự thực đã nhất nhất chứng
minh tính chuẩn xác của dự đoán trên. Trong khi đó, Điền Phong có một sai lầm thứ nhất, là dự đoán
Tào Tháo không thể đánh thắng Lưu Bị nhanh chóng. Thứ hai, chính bản thân ông đã không chọn được
người chúa sáng suốt. Dù ông có thể nghĩ ra nhiều mưu kế hay, nhưng chả lẽ ông lại không hiểu rõ vị
chúa công của mình là người có tánh cách ra sao ? Ông nuôi ảo tưởng, Viên Thiệu sẽ nghe theo những
kiến nghị của mình. Chính vì vậy mà ông khó tránh khỏi nhiều sự thất bại. Tính dự kiến chuẩn xác phải
đặt trên cơ sở biết người. Quách Gia đối với Viên Thiệu tỏ ra hiểu biết sâu sắc hơn so với Điền
Phong. Điều đó chính là lý do đưa Quách Gia đến nhiều sự thành công.
Sau khi đánh bại Lưu Bị, Tào Tháo nhanh chóng rút quân về Quan Độ. Tháng hai năm thứ năm niên
hiệu Kiến An (công nguyên 200), Viên Thiệu tiến quân đến Lê Dương, phía Nhan Lương xua quân bao
vây tấn công Bạch Mã, để đảm bảo an toàn cho chủ lực vượt sông, Tào Tháo đã áp dụng chiến thuật
thanh đông kích tây, để hấp dẫn quân của Viên Thiệu đến Diên Tân, rồi mới cấp tốc đưa quân đến giải
vây cho Bạch Mã. Đại quân của Tào Tháo đi chưa được mười dặm thì đã gặp Nhan Lương. Nhan
Lương vừa trông thấy quân Tào thì kinh hoàng thất sắc, vội vàng dàn trận để nghênh chiến. Tào Tháo
ra lệnh cho Trương Liêu, Quan Vũ vừa nhìn thấy lá đại kỳ của Nhan Lương liền thúc ngựa chạy nhanh
như bay đến phía dưới lá cờ chém chết Nhan Lương giữa hàng triệu binh sĩ. Quân Nhan như rắn mất
đầu, rối loạn hàng ngũ nên việc giải vây Bạch Mã đã tiến hành một cách dễ dàng.
Viên Thiệu nghe tin cả giận, ra lệnh cho toàn quân vượt sông để truy kích. Ông ta còn ra lệnh cho Đại
tướng Văn Sửu dẫn năm nghìn binh làm tiên phong đi mở đường.
Lúc bấy giờ, quân Tào đang rút lui về Quan Độ. Khi tới bờ nam Diên Tân, Tào Tháo ra lệnh cho kỵ
binh gỡ bỏ yên ngựa, và không mấy chốc, chiến mã bỏ chạy loạn xạ, vũ khí vứt đầy đất. Văn Sửu
nhanh chóng đuổi kịp, thấy quân Tào đã bỏ chạy, bèn bảo binh sĩ thu lượm chiến lợi phẩm. Nào ngờ,
sau một tiếng ra lệnh của Tào Tháo, sáu trăm tinh binh đang mai phục sẵn, nhanh nhẹn phi thân lên
lưng ngựa, xông ra chém giết quân của Viên Thiệu với khí thế mãnh liệt chưa từng có. Quân Viên
Thiệu không kịp đề phòng, vừa giao phong là đã bại trận. Đại tướng Văn Sửu cũng trở thành ma không
đầu dưới lưỡi đao của đối phương.
Viên Thiệu bị hao binh tổn tướng, nhưng nhất định không chịu thua. Ông ta ra lệnh cho chiến sĩ tiếp tục
tiến binh và truy đuổi theo tới Quan Độ, mới xuống lệnh hạ trại đóng binh. Lúc bấy giờ, quân Tào đã
bố trí trận địa xong từ lâu, đắp lũy thật kiên cố. Viên Thiệu ra lệnh cho binh sĩ của mình đắp những núi
đất to bên ngoài doanh trại của Tào Tháo, rồi bố trí những tay bắn cung giỏi lên trên cao bắn xuống.
Quân binh của Tào Tháo phải dùng thuẫn để che tên, mới có thể đi lại được trong doanh trại.
Bị bắn liên miên như vậy, Tào Tháo cảm thấy thực lo lắng, bèn triệu tập các mưu sĩ lại để bàn cách
đối phó. Cuối cùng, trong doanh trại cửa Tào Tháo sáng chế ra được một loại "xe sấm sét”. Trên loại