10 ĐẠI MƯU LƯỢC GIA TRUNG QUỐC - Trang 334

xuống lệnh cho tuần phủ các tỉnh đi tìm hiểu rõ ràng. Nếu thấy có điều khả nghi là oan án, thì họ phải
trình lên cho hoàng đế quyết định.

Kiến nghị nhằm tránh gây phiền hà cho người dân đang chịu khổ cũng được hoàng đế Thuận Trị chấp
nhận.

Tháng tám cùng năm, nhà vua đã gia ân cho các đại thần phụ chính, đặc biệt phong thêm chức cho
Phạm Văn Trình làm Thiếu Bảo kiêm Thái tử Thái Bảo. Đến tháng chín, lại nâng chức cho Phạm Văn
Trình lên làm Thái phó kiêm Thái tử Thái Sư. Do Phạm Văn Trình là cựu thần tiên triều, có đại công
với quốc gia, nên vua Thuận Trị đã dùng lễ đối xử với ông. Khi Phạm Văn Trình bị bệnh, chính nhà
vua đã điều chế thuốc đưa đến cho ông trị bệnh, còn phái họa sĩ đến tận nhà Phạm Văn Trình để vẽ
hình ông, đem cất giữ vào nội phủ. Nhà vua cũng thường ban cho Phạm Văn Trình nhiều y phục ngự
dụng. Thân người Phạm Văn Trình to lớn, nên nhà vua cho thợ đến tận nhà đo may, để tất cả áo mão
của ông đều được vừa vặn.

Năm Thuận Trị thứ mười tám (1661), vua Huyền Diệp lên kế vị Phúc Lâm, đổi niên hiệu là Khang Hy.
Theo như thường lệ, nhà vua mới lên ngôi phải làm lễ cáo tế với trời đất và tổ tông. Do vậy, với tư
cách là một đại thần đức cao vọng trọng, Phạm Văn Trình được phái đến Thịnh Kinh (nay là thành phố
Thẩm Dương) để cáo tế trước lăng mộ của Thái Tông Hoàng Thái Cực. Phạm Văn Trình quỳ trước
lăng mộ của Hoàng Thái Cực khóc hết sức xúc động, thực lâu không thể đứng dậy. Sở dĩ ông cảm động
đến như thế, là do trước đây ông có ân tri ngộ với Hoàng Thái Cực, đồng thời, cũng xúc cảm vì bản
thân mình đã trải qua những giai đoạn cam go, suýt nữa đã bị mất mạng, thế mà nay ông bảo toàn được
tấm thân để tới đây, có một cuộc sống cuối đời tốt đẹp, cho nên ông hết sức bùi ngùi.

Năm Khang Hy thứ năm (1666), Phạm Văn Trình với tư cách là tam trào nguyên lão đã chết bệnh tại
nhà, hưởng thọ bảy mươi tuổi. Vua Khang Hy đích thân viết văn tế, sai Lễ Bộ thị lang là Hoàng Cơ đến
cúng tế. Đồng thời, nhà vua còn viết bốn chữ “Nguyên phụ cao phong" để treo trước linh sàng, biểu
dương công đức bất hủ cửa Phạm Văn Trình.

Cả cuộc đời của Phạm Văn Trình đã trải qua bốn đời vua và phục vụ cho ba vị chúa, giúp triều đình
nhà Thanh sáng lập giang sơn, nên công lao của ông không thua chi Trương Lương đã giúp cho nhà
Hán, Lưu Bá ôn đã giúp cho nhà Minh. Tuy nhiên vì Phạm Văn Trình đã giúp cho một dân tộc thiểu số
đoạt lấy thiên hạ của người Hán, nên trong một thời gian lâu dài mọi người đều có thiên kiến nào đó
đối với hành động “phản nghịch" của ông.

Phạm Văn Trình tự xưng mình là người có “bộ xương của triều Minh, và da thịt của triều Thanh”.
Chứng tỏ ông cũng vì vấn đề đó mà chịu dựng sự ray rứt. Trên thực tế, Phạm Văn Trình đứng trước
mọi tình hình phức tạp, có thể hiểu được đại thể, chú ý đến đại cuộc, nói những lời cần nói, làm những
việc cần làm, không vì người nào đó mà hạ mình hoặc tự cao, không ngã theo chiều gió, là người thao
lược hơn người, lại có thể đem sự hiểu biết của mình truyền đạt cho vị chúa công mà mình đang phụng
sự, đem hoài bão chính trị của bản thân, khôn khéo chuyển nó thành hiện thực, để từ đó ổn định cuộc
sống của nhân dân, đẩy mạnh sự tiến bộ cửa xã hội, làm nên những sự nghiệp không bao giờ mai một.
Cho nên ông quả không hổ danh là một mưu lược gia có tầm nhìn cao xa và có kiến thức trác tuyệt.

Dịch xong tại TP. Hồ Chí Minh

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.