Chúng ta phải đối mặt với cạnh tranh ngày một khốc liệt, vì thế
có thể nói, tinh thần yêu nghề của một cá nhân, một doanh nghiệp,
thậm chí một quốc gia như thế nào sẽ quyết định cá nhân, doanh
nghiệp, quốc gia đó có thể trụ vững trong thị trường cạnh tranh hay
không. Khi tuyển chọn nhân viên, tất cả các doanh nghiệp đều có
một số yêu cầu riêng mang tính đặc thù, nhưng có một điểm chung
duy nhất là mong muốn nhân viên của mình là một người có tinh
thần yêu nghề.
Tuy nhiên, một số nhân viên không có tinh thần yêu nghề lại
nghĩ: Bản thân làm việc là vì ông chủ, kiếm tiền cho ông chủ. Dù
sao cũng làm thuê cho người khác, “một ngày đánh cá, hai ngày treo
lưới”, có thể qua loa thì làm qua loa, công ty thiệt hại cũng không phải
gánh trách nhiệm. Tâm lý này không những không tốt cho ông chủ
mà còn ảnh hưởng xấu đến chính bản thân họ.
Là một nhân viên yêu nghề, không những cần hoàn thành công
việc của bản thân mà còn cần hoàn thành công việc với tinh thần
trách nhiệm cao. Nếu bạn hình thành thói quen xấu “không yêu
nghề”, thành tích của bạn sẽ bị hạn chế, thái độ, cung cách làm việc
lề mề, qua loa, không có trách nhiệm của bạn sẽ ăn sâu vào ý thức
và tiềm thức của bạn, làm bất cứ việc gì cũng sẽ tùy tiện “làm cho
xong”. Nếu đến tuổi trung niên vẫn như vậy, bạn sẽ rất dễ lãng phí
thời gian, lãng phí cuộc đời. Vì thế, trong thời gian ngắn, “yêu
nghề” là vì ông chủ, nhưng sẽ là vì bản thân bạn trong thời gian dài!
Người yêu nghề có thể đúc rút nhiều kinh nghiệm từ trong công
việc hơn người khác, những kinh nghiệm đó chính là bàn đạp cho bạn
tiến lên. Dù sau này bạn đổi chỗ làm, đổi ngành nghề, tinh thần
yêu nghề cũng sẽ giúp bạn rất nhiều. Vì thế, người biến tinh
thần yêu nghề thành thói quen dễ thành công dù làm bất kỳ công
việc gì.