Nhiều truyện thật ngắn của chị được giới thiệu có tên chung là "Những
mảnh vỡ " và nó đã được nhiều nhà phê bình cùng độc giả đánh giá thành
công, tạo thành thương hiệu văn phong đặc sắc của Nguyễn Thị Hậu. Xin
phép hỏi chị có bao nhiêu % cuộc đời thực và con người của chị trong cuốn
sách này, hay tất cả đều là hư cấu?
Nhiều người nhận xét, tác phẩm của các nhà văn nữ thường là chuyện
về/ của chính mình, gia đình mình, giống như trong cuộc sống họ cũng
thường chia sẻ, kể lể, “tám”... với bạn bè mọi chuyện, cả vui lẫn buồn....
Tất nhiên, là tác phẩm văn học thì tính khái quát cao hơn... nhưng có lẽ vẫn
không khó để nhìn ra bóng dáng tác giả trong đó. Còn truyện 100 chữ của
tôi thì đủ thứ chuyện “vớ vẩn” của cuộc sống: từ gia đình đến văn chương,
đến quan hệ giữa những con người, cả những chuyện linh tinh trên mạng...
mà bất cứ ai cũng có những khoảnh khắc như vậy. Như trên đã nói, trong
truyện thật ngắn hai yếu tố “chi tiết” và “cảm xúc” quan trọng như nhau, vì
vậy có thể nói tỷ lệ trên là “50 và 50”. 50% là những chi tiết quan sát, nhặt
được, chắt lọc từ cuộc sống xung quanh và “giữ lại” từ cuộc sống của chính
mình. Còn 50% kia là sự cảm nhận, suy nghĩ, thái độ của riêng tôi về
những gì diễn ra trong cuộc sống.
Trong văn chương, sự nhạy cảm là yếu tố rất quan trọng. Khi tạo dựng
một tác phẩm mà nhân vật chính là nam, chị sắp xếp câu chuyện bằng sự
nhạy cảm của người viết văn hay nhìn nhân vật chính qua giới tính của
mình để phán đoán và sắp xếp câu chuyện?
Sự nhạy cảm để nhận ra chi tiết nào là quyết định trong tình huống
truyện, còn diễn biến và kết thúc câu chuyện thì... như nó phải xảy ra, khó
mà sắp xếp theo chủ quan mình. Dường như trong những va chạm cuộc
sống, phụ nữ thường nhạy cảm hơn và do vậy cũng dễ bị tổn thương hơn
nam giới...
Yahoo Văn hóa Việt (ngày 24/01/ 2011)
Mặc Lâm: Về Truyện cực ngắn (trích)