May sao, trong hàng trăm cái tên mà Himmler đã nêu ra, tôi lại nhớ
được hai tên quan trọng nhất: Kapple và Donman. Kapple là đại diện của
Gestapo tại Italia. Còn Donman là người đã sống ở Italia tương đối lâu.
Theo lời khuyên của trùm SS Himmler, tôi và tướng Student đã có tiếp xúc
với họ, nói về mục đích sứ mệnh của mình và yêu cầu họ giúp đỡ. Chúng
tôi được biết rằng, ở khắp thủ đô Italia đang có những tin đồn khác nhau.
Một số nói rằng, Mussolini đã tự sát, số khác nói ông ta đang lâm trọng
bệnh. Số thứ ba khẳng định Mussolini đang ở nhà nghỉ. Nhưng chúng tôi
may mắn biết được rằng: buổi trưa ngày 25-7, Mussolini đã tới tiếp kiến
Quốc vương. Từ lúc đó không ai nhìn thấy ông ta nữa. Như vậy, ông ta đã
bị bắt ngay trong hoàng cung.
Trong số quan chức Italia mà Kapple giao tiếp, có một sĩ quan quân
đoàn cácbin (tất cả lính tráng đều được trang bị súng cácbin. Viên sĩ quan
này hé ra các tin tức quý giá: dường như Mussolini bị đưa đi trên chiếc xe
cứu thương từ hoàng cung đến các doanh trại lính cácbin ở Rome. Việc
điều tra của chúng tôi đã khẳng định thông tin này. Ngoài ra, chúng tôi còn
biết tù binh bị giam ở chỗ nào, ở tầng nào của tòa nhà. Nhưng, đã 10 ngày
trôi qua từ khi bị bắt, Mussolini có thể đã bị chuyển đến chỗ khác.
Tại một nhà hàng nhỏ ở Rome, chúng tôi đã làm quen với một thương
gia buôn bán hoa quả. Con gái người hầu của một trong số các khách hàng
của ông ta yêu một anh lính cácbin. Anh ta phục vụ trên đảo Ponsa, nơi có
một trại giam, và anh ta thường viết thư cho người yêu của mình. Trong
một bức thư, anh ta kể chuyện: có một người tù quan trọng, một nhân vật
cao cấp nào đó bị đưa tới đảo. Thông tin này nhanh chóng được xác nhận,
nhưng ngay sau đó, một sĩ quan hải quân trẻ, trong lúc nửa tỉnh nửa say đã
lộ ra rằng: chiến hạm của anh ta mới đây đã chở Mussolini từ trại giam trên
đảo Ponsa về thành phố nhỏ Spexia, nơi có căn cứ Hải quân của Italia bên
bờ Liguri.