Sau một thời gian dài đi biệt phái, lăn lộn dưới các địa phương, Mười
Hương nhận được một bức điện của Trung ương với nội dung: "Về ngay
Văn phòng Trung ương". Khi đó quân đội viễn chinh Pháp đã bị đánh quỵ
tại trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ mang lại hòa bình cho Đông
Dương sắp được ký kết. Ông vội vã thu xếp công việc, lên đường trở về
chiến khu Việt Bắc.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của phong trào cách mạng miền Nam,
đồng chí Lê Đức Thọ xin Trung ương biệt phái một cán bộ công tác địch
hậu và người này phải có khả năng tranh thủ được giới trí thức tầng lớp
trên. Xét thấy Mười Hương phù hợp với nhiệm vụ này, đồng chí Trường
Chinh xin ý kiến của Bộ Chính trị, Hồ Chủ tịch và nhận được sự đồng tình
ủng hộ. Hai đồng chí Trường Chinh và Phạm Văn Đồng gặp, trao nhiệm vụ
cụ thể cho Mười Hương. Đích thân Bác Hồ cũng dự cuộc gặp quan trọng
này. Mười Hương gấp rút về sửa soạn chờ ngày lên đường. Ông ở nhà mấy
hôm với vợ cùng cô con gái út và không khỏi suy nghĩ nhiều về trách
nhiệm người chồng, người cha. Ông không thể tiết lộ công việc của mình
dù ngay cả với những người thân yêu nhất. Ông chỉ nói với người vợ rất
đỗi yêu quý rằng mình sắp đi công tác xa một thời gian.
Vừa chân ướt chân ráo vào đến nơi, đang lo lạ nước lạ cái, Mười
Hương gặp ngay ông Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Quân khu 9, từng là bạn tù
với nhau trước kia. Ngoài ra, Xứ ủy Nam Kỳ, ông Lê Toàn Thư cũng tỏ ra
tâm đầu ý hợp với Mười Hương khiến ông vững dạ. Ông bắt đầu vào việc
ngay với hai ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm. Công việc đầu tiên là
mở lớp huấn luyện tình báo, học viên chủ yếu tuyển lựa trong lực lượng
Công an. Thấm thoắt 6 tháng trôi qua, khóa huấn luyện đã kết thúc và cũng
đến lúc Mười Hương phải quay ra Bắc. Nhưng đồng chí Lê Đức Thọ nói:
"Xứ ủy xin anh ở lại, anh tính sao?". Mười Hương trả lời: "Nếu Trung ương
đồng ý thì tôi sẽ ở lại". Vấn đề được trên chấp thuận, Mười Hương được
phân công vào Ban Địch tình Xứ ủy, tiếp tục mở các lớp huấn luyện nghiệp
vụ tình báo góp phần phục vụ cho yêu cầu của phong trào cách mạng.