Đảo, hàng loạt dân biểu, chính khách, chức sắc tôn giáo và cả cha tuyên úy
trong quân đội Mỹ đều viết thư, nhắn hoặc ra tận nơi để thăm hỏi và xin Vũ
Ngọc Nhạ cho ý kiến. Năm 1973, thi hành những điều khoản của Hiệp định
Paris, chiều 23-7-1973, Vũ Ngọc Nhạ được trao trả tại Lộc Ninh, với danh
xưng là "linh mục Giải phóng". Vì thế, cho đến lúc này, khắp miền Nam
vẫn không một kẻ nào nghi ngờ vị trí, ảnh hưởng của anh trong chính
trường miền Nam. Linh mục Hoàng Quỳnh và nhiều vị chức sắc khác của
Tòa thánh Vatican vẫn đều đặn từ Sài Gòn liên lạc với anh ở vùng giải
phóng. Uy tín của anh ngày càng lên cao; ngày 12-11-1974, cha Hoàng còn
sẵn sàng theo chân Liên - con gái lớn của Vũ Ngọc Nhạ - ra vùng căn cứ
của ta ở Đồng Lớn (Trung Lập Thượng, Củ Chi) để cùng anh bàn bạc về
lực lượng thứ 3 và chính phủ ba thành phần ở miền Nam theo Hiệp định
Paris. Và, chính với tư cách của một người thuộc lực lượng thứ 3, trưa ngày
30-4-1975, Vũ Ngọc Nhạ đã đứng bên cạnh Dương Văn Minh khi viên
Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Cách mạng
vô điều kiện. Vào giờ phút đó, với tâm trạng rối bời, Tổng thống Việt Nam
Cộng hoà cuối cùng đã không để ý thấy một chi tiết: Con người nhỏ bé
đứng bên cạnh ông ta đang nở một nụ cười, nhẹ nhàng nhưng tươi tắn và
mãn nguyện.
Sau ngày giải phóng, trong bộ hồ sơ ta thu được tại Tổng Nha Cảnh sát
ngụy quyền có đoạn viết: "Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả
tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo
thành công như thế. Cụm A22 hoạt động do ông Vũ Ngọc Nhạ cầm đầu
phát triển đều đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là
huyền diệu và sâu sắc... Cụm đã phát triển một hệ thống điệp vụ vô cùng
quan trọng và đã len lỏi vào nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng
hòa. Những tin tức chiến lược họ cung cấp đều có giá trị, giúp cho Hà Nội
có những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc
chiến tranh".