việc trang bị cho những cảng cũ. Người tình báo hiểu rằng đây là một việc
quan trọng, và ngay ngày nghỉ đầu tiên đã đến cái thành phố, nơi có cô gái
nhẹ dạ gửi thư kia. Anh gặp cô với tư cách một sĩ quan kiểm duyệt quốc gia
để cảnh cáo. Cô gái hoảng hốt và lo lắng lạy van Zilber đừng nói chuyện đó
cho anh mình biết và đừng làm hại đường công danh của anh ấy. Trong câu
chuyện anh biết chắc chắn là có một phương thức đấu tranh mới chống lại
loại tàu ngầm Đức vẫn được gọi là "tàu mồi". Ngay bản thân Zilber và bộ
tham mưu các lực lượng hải quân Đức trước đây cũng chưa bao giờ nghe
đến một chuyện như thế. Khi chia tay, Zilber hứa sẽ bỏ qua chuyện này và
ngược lại cũng bắt cô gái hứa không nói gì với anh cô về cuộc gặp đó.
"Đây là quyền lợi chung của hai chúng ta", - anh nói thêm. Cô gái cũng
hiểu như vậy. Ngày hôm sau Zilber gửi đi một tin hết sức quan trọng, trong
đó nói rằng quân Anh đang sử dụng các "tàu mồi". Đó là những tàu buôn
cũ đặt các súng đại bác bắn nhanh được nguỵ trang kỹ và các vũ khí khác.
Thành tàu được gia cố chắc, hầm tàu chứa bọt biển và các thiết bị giữ cho
tàu nổi được khi trúng thuỷ lôi. (Về việc sử dụng các loại tàu này xin xem
bài về "Edvard S. Miller"). Bộ chỉ huy Đức cũng đã biết về việc mất tích
đột ngột mấy chiếc tàu ngầm, trước khi mất tích đã kịp báo là bị trúng thuỷ
lôi địch. Bây giờ câu hỏi đó đã được giải thích. Nhưng sau khi người Đức
biết rõ sự thực về "tàu mồi" thì vấn đề cũng không dễ dàng. Khi tàu ngầm
Đức biết rằng bất kỳ một chiếc tàu nào trông bề ngoài đơn độc và không có
vũ khí cũng có thể bất ngờ trở thành một tàu chiến hung hãn thì họ mất hết
khả năng hành động chắc chắn. Đã có những trường hợp ban chỉ huy hãi
hùng và không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Zilber sống ở Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc và không hề bị phát
giác, sau đó trở về Đức an toàn, rồi kể lại những chuyện cũ của mình.