giết người không có thù oán gì với mình. Hiện giờ ngươi đã tích cóp
của vô nhân ấy được bao nhiêu rồi, chôn giấu ở đâu? Riêng số bạc gần
ba trăm lượng của Mã Thái chắc chắn ngươi chưa dùng tới phải
không?
Ngô Ngọc biết cái chết đã chắc chắn, cúi đầu nói nho nhỏ:
- Thật ra tội dân cũng không muốn giết Mã Thái. Thế nhưng
chẳng hiểu tại sao khi thấy số bạc quá lớn thì tự nhiên tối mắt tối mũi
lại, như bị ma quỷ xúi giục mất hết lương tri nên mới theo cách cũ bỏ
thuốc độc vào rượu, giết xong rồi đem quăng xuống ao phi tang, số
bạc ấy tội dân chôn chung với những số tiền đã cướp được ngoài vườn
sau nhà.
Bao Công thấy như vậy đã đủ, không cần bắt mẹ của Ngô Ngọc
và Cung thị khai thêm, truyền giam hắn lại, giải lên phủ thẩm xét kết
tội lần cuối cùng. Ông gọi Nhật Tân đến nhận xác đứa em, trách mắng
một hồi về việc vu cáo cho người lương thiện để đến nỗi Dương
Thanh phải bị đau đớn. Nhật Tân hứa sẽ đền bù cho Dương Thanh một
số tiền rồi xin phép Bao Công cho mình đem xác Mã Thái về quê chôn
cất.
Đồng thời Bao Công cũng cùng quan quân đến nhà Ngô Ngọc
đào tìm số tiền đã cướp được của khách qua đường làm tang chứng.
Khi thấy quan quân rầm rộ kéo đến, người mẹ của Ngô Ngọc và Cung
thị sợ bị tội, chạy ra ao nước nhảy xuống tự vẫn. May sao quan quân
đuổi kịp cứu được Cung thị còn người mẹ vì quá già yếu, uống nước
nhiều nên không thể cứu chữa nổi. Tuy được cứu sống nhưng Cung thị
vẫn ân hận vì đã để chồng giết người quá nhiều, thưa với Bao Công:
- Chồng làm việc ác, vợ không ngăn cản được, cũng không tố
giác để số người chết nhiều thì cũng là phạm tội. Tuy rằng tiểu dân đã
hết sức khuyên can, đến mẹ già cũng nhiều lần khuyên bảo nhưng dù
sao vẫn là có tội thông đồng. Xin Bao quan nhân xử trí thì mới yên
tâm sống hết cuộc đời được.
Bao Công thấy Cung thị là người hiểu đạo đức, khuyên nhủ: