vướng trong gông, làm sao cởi cái áo đỏ đó ra được? Đành ngơ ngẩn
nhìn nhau thất sắc. Bọn chúng bàn tán mãi không ra nguyên nhân,
cuối cùng cứ liều đưa phạm nhân lên công đường, nếu bị hạch hỏi thì
cứ sự thực mà khai.
Lúc đó trời đã sáng hẳn, viên quan Án Sát tên là Ngưu Thụ Mai ở
Đồng Châu, thường được người dân kính trọng gọi là Ngưu công, vừa
uống trà xong, ra vườn ngắm hoa thì chợt nghe thấy tiếng quạ kêu
vang trời, Thụ Mai giật mình nhìn lên, hóa ra có đến mấy chục con
quạ đen xúm nhau tha một vật gì đó màu đỏ chói, vừa bay vừa kêu
như thể muốn tố cáo việc gì đó. Ngưu công còn đang suy nghĩ thì chợt
lũ quạ bỏ rơi cái áo đỏ, cách nơi ông đứng mấy bước, sau đó vừa kêu
vang vừa kéo nhau bay đi mất.
Vốn là quan phụ trách về hình án, đầu óc của ông rất nhạy bén,
bất cứ việc nhỏ nhặt nào cũng chú ý xem xét ít khi bỏ qua. Bây giờ
thấy hiện tượng khá lạ này, Thụ Mai liền bước tới nhặt cái áo đỏ lên
lật ngang dọc xem xét rất kỹ. Đã nhận ra đó là chiếc áo của tù nhân
phạm trọng tội, Thụ Mai liền đọc kỹ mấy dòng chữ ghi trên ngực và
lưng áo. Dù bụi đường phong sương đã làm mờ nhạt đi một ít nhưng
Ngưu công vẫn có thể đọc được rõ ràng mấy chữ “Lý Trinh Tú, phạm
nhân ở An Nhạc”. Ngưu Thụ Mai gật gù nói lẩm bẩm một mình:
- Sự kiện này khá lạ lùng. Nếu như hôm nay có vụ án nào mà
phạm nhân tên Lý Trinh Tú, giải giao từ An Nhạc đến thì ta phải xem
xét thật cẩn thận mới được. Theo như hiện tượng lũ quạ tự nhiên tha
cái áo rồi bỏ rơi trước mặt ta thì có lẽ vụ án này hàm oan rất nặng.
Sau đó Ngưu Thụ Mai vội trở về nha phủ chải đầu đội mũ, mặc
quan phục để ra công đường. Thật kỳ lạ, vừa đúng lúc hai tên sai nha
giải Lý Trinh Tú đến nơi. Ngưu Thụ Mai lập tức quan sát kỹ nhân
dạng của người nữ tù này. Thấy Trinh Tú diện mạo đoan trang, dáng
vẻ hiền lương thì đã có chút thiện cảm. Đến khi xem văn án, thấy
huyện quan ghép Lý Trinh Tú vào tội thông dâm rồi đầu độc chồng,
Ngưu Thụ Mai lại càng nghi ngờ bởi theo ông thì dù có thông dâm đi