thì quả là khập khiễng bởi mỗi người có một hoàn cảnh riêng để phán
đoán sự việc nhưng tựu trung tất cả những phán quan nổi tiếng tài giỏi
trong thời phong kiến Trung Hoa đều nhờ vào sự suy nghĩ tận tâm tận
tình của mình với công việc, không coi thường các chi tiết nhỏ trong
vụ án, nhờ vậy mới sáng tỏ được những khúc mắc trong vụ án.
Theo ghi chép thì Bao Công bắt đầu nổi danh từ khi được bổ về
làm Tri huyện Phụng Phù phủ Duyên Châu. Lúc đó ông còn rất trẻ
nhưng đã biểu lộ là người thông minh chính trực, thích xem xét các vụ
án ly kỳ khó giải quyết. Khi đến Phụng Phù nhậm chức, Bao Chửng
(lúc đó tên Bao Công chưa phổ biến) rất nhàn hạ vì ở huyện hầu như
không có vụ trọng án nào xảy ra. Ông đem hết hồ sơ văn án ra nghiên
cứu nhưng xét kỹ thì toàn là những vụ việc đơn giản, đã được quan
huyện trước kia giải quyết rốt ráo.
Thế nhưng khi đọc đến việc viên Áp ty của huyện tên là Tôn Văn
vì nghe lời thầy bói mà tự mình nhảy xuống sông tự vẫn thì đã có chút
nghi ngờ. Ông cho rằng dù mê tín dị đoan như thế nào cũng không thể
vì một lời tiên đoán số mệnh mà tự mình hủy hoại thân thể do cha mẹ
khổ công sinh thành dưỡng dục.
Khi Bao Chửng còn đang suy nghĩ thì chợt ông gục đầu xuống
bàn mà ngủ. Trong khi ngủ ông mơ thấy mình ngồi trên công đường,
phía dưới không hề có tội nhân hay nghi phạm nào. Bao Chửng hết
sức ngơ ngác, nhìn về phía sau thì thấy có câu đối lời lẽ rất lạ: “Muốn
biết việc canh ba, gạt lửa mà xuống nước”.
Bao Chửng còn cố nghĩ xem ý tứ của câu đối ấy muốn nói gì thì
giật mình thức dậy. Ông liền nghĩ ngay đến việc tự vẫn của viên Áp Ty
Tôn Văn chắc chắn là có uẩn khúc, quyết định sẽ từ đó lần ra manh
mối xem sao.
Ngày hôm sau Bao Chửng thăng đường, tiếng là ra mắt các thuộc
hạ nhưng lợi dụng cơ hội tụ tập đầy đủ ấy đưa hai câu đối ra nhờ họ
giải thích. Tất nhiên là không ai có thể hiểu được. Bao Chửng có tính
rất kiên định, đã làm việc gì thì nhất định không chịu bỏ qua nên sai